Hội nghị G7 ở Canada có thể mang lại gì cho thế giới ?

Các cuộc họp của nhóm G8 bao gồm các nước giàu nhất thế giới từng là một diễn đàn của sự đồng thuận được dàn xếp tốt. Các nhà lãnh đạo đa phần thuộc giới kỹ trị và theo đường lối ôn hòa của các nước lớn sẽ thảo luận cách thức chèo lái nền kinh tế toàn cầu, giúp đỡ các nước mà họ cho là bị tụt lại và thường chúc mừng nhau về sự phát triển kinh tế và những giá trị dân chủ rộng rãi.

Hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 8 và 9-6 tại Quebec (Nga đã bị loại vì vụ sáp nhập Crimea năm 2014) sẽ hầu như chẳng có gì khác ngoài những dấu hiệu đáng báo động và khiến chủ nhà của hội nghị - Thủ tướng Canada Justin Trudeau - bức xúc. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến 6 quốc gia còn lại xa lánh khi thực sự bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại, cộng với việc cuộc họp tới đây sẽ bị phủ bóng bởi mối lo ngại ngày càng tăng về việc chính phủ dân túy ở Italy sẽ đưa đồng euro trở lại thời kỳ khủng hoảng.

Không rõ có thể thực sự đạt được những gì tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Chương trình nghị sự của Canada xét về nhiều khía cạnh có thể dự đoán được; trọng tâm của nó là tìm cách mở rộng tăng trưởng kinh tế và hạn chế biến đổi khí hậu. Nhưng trên thực tế, quả bom thương mại mới nhất của Trump khi tăng thuế đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là một vấn đề lớn.

Thật đáng tiếc. Kể từ vụ sụp đổ tài chính năm 2008, nhóm ra quyết định thực sự cho các vấn đề quốc tế cần phải là nhóm G20, mặc dù nhóm này thường tự cho thấy họ không đủ khả năng. Tuy nhiên, G7 lại đưa ra một cơ hội khác - cơ hội cho những người chịu trách nhiệm tìm ra đáp án cho một câu hỏi lớn hơn: các nước phương Tây dân chủ và những đồng minh của họ, đặc biệt là Nhật Bản, thực sự muốn gì? Họ mang lại điều gì cho thế giới và làm thế nào họ có thể bảo vệ những giá trị đó?

Hiện đang có một cuộc khủng hoảng ngày càng rõ về lòng tin vào các thể chế dân chủ phương Tây - và sự nổi lên của các nhà lãnh đạo có phong cách riêng như Trump, người trong tuần này đã tuyên bố rằng ông tin tưởng có thể tha thứ cho bất kỳ sai lầm nào. Cuộc khủng hoảng này diễn ra đúng thời điểm có những biến đổi địa chính trị sâu sắc. Những căng thẳng quân sự với một nước Nga tự tin và chuyên quyền và Trung Quốc đang gia tăng gần như hàng tuần.

Khi Trump đắc cử tổng thống và bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại, sự đồng thuận xung quanh việc xây dựng một nền kinh tế toàn cầu hóa cũng bị tổn hại nặng nề. Trong các nền dân chủ và tự trị giống nhau, có sự lo ngại rằng chu kỳ tiếp theo của cuộc cách mạng cơ khí hóa công nghiệp có thể dẫn đến mất việc làm và làm giảm sút mức sống, mà không có bất cứ chiến lược quốc tế rõ ràng nào để giảm thiểu tác động đó. Đây là một lĩnh vực mà hội nghị thượng đỉnh G7 định giải quyết, nhưng vì thời gian có hạn nên khó có thể đạt được bước đột phá. Vấn đề lớn hơn mà phương Tây đang đối mặt tương đối đơn giản. Gần như suốt vài thập kỷ qua, khế ước xã hội của nền dân chủ tư bản là mang lại sự tự do cá nhân lẫn mức sống cao cho người dân. Với mức lương trì trệ và các đòi hỏi ngày càng tăng đối với các hệ thống y tế và xã hội do dân số già đi, điều đó giờ đây dường như ít chắc chắn hơn nhiều.

Trong nhiều xã hội, sự hoài nghi đang tăng lên về việc hệ thống dân chủ đang tồn tại hiện nay tạo ra chất lượng lãnh đạo không như mong muốn. Sợ thất vọng đối với các nhà lãnh đạo kỹ trị trong thập kỷ qua đã được tích lũy nhiều năm - và giờ đây phần lớn tầng lớp xã hội trung lưu thành thị đang khiếp sợ bởi sự nổi lên của những người theo chủ nghĩa dân túy như Trump.

Ngay cả khi những người theo đường lối khá ôn hòa vẫn nắm quyền - đặc biệt là Tổng thống Emmanuel Macron ở Pháp và Thủ tướng Angela Merkel ở Đức - các đảng cực hữu đang nổi lên và có thể giành thêm quyền lực trong thập kỷ tới. Các nhà lãnh đạo chính trị ở Anh có thể thích coi mình là người ôn hòa và là một phần của trào lưu chính có trách nhiệm, nhưng cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về việc rời bỏ EU (Brexit) đã khiến họ phải đi theo một tiến trình Brexit không thể đoán trước.

Trong số các nhà lãnh đạo G7, chỉ có Trudeau của Canada và Shinzo Abe của Nhật Bản không phải đối phó với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở trong nước. Tuy nhiên, họ cũng phải cùng lúc đương đầu với những căng thẳng xã hội lớn hơn và vị trí của cả hai đều không thể nghi ngờ.

Nói một cách đơn giản, bất chấp những thiếu sót đó, các nền dân chủ tự do vẫn là nơi tốt nhất để sống. Ngay cả khi thực tế này đang tạo ra thách thức lớn nhất đối với họ: làm thế nào để giải quyết vấn đề người di cư, những người nhận thấy cuộc sống ở các nước phương Tây mang đến cho họ những lợi ích rõ ràng lớn hơn nhiều...

Nếu các quốc gia G7 - hoặc những công dân sống tại các nước đó - không thể xích lại gần nhau hơn và xác định những giá trị của mình trong những năm và những thập kỷ tới, họ có thể bị sốc khi phát hiện ra họ đã đánh mất những gì.

Theo TTXVN