Thế giới trong tuần

1. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử tại Libya.

Ngày 6-6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử tại Libya vào cuối năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch do Pháp hậu thuẫn này không đề cập đến thời điểm ngày 10-12 đã được nhất trí trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các thủ lĩnh phe phái đối địch ở Libya diễn ra tại Paris hồi tháng trước. 

Văn kiện được Hội đồng Bảo an thông qua viết: “Hội đồng Bảo an hoan nghênh cam kết của các bên, như đã nêu trong tuyên bố Paris, rằng sẽ hợp tác có tính xây dựng với Liên hợp quốc để tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống một cách đáng tin cậy và trong hòa bình, đồng thời tôn trọng kết quả bỏ phiếu”. 

Tháng trước, tại Paris, 4 thủ lĩnh chủ chốt tại Libya đã nhất trí tiến hành bầu cử vào ngày 10-12 tới trong nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi tình cảnh hỗn loạn và xung đột kéo dài kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài Moamer Kadhafi năm 2011. Theo các nguồn tin ngoại giao, trong quá trình đàm phán nội dung của văn kiện trên, một số quốc gia phản đối việc đề cập cụ thể thời gian tiến hành bầu cử là ngày 10-12. Thay vào đó, họ muốn tất cả các bên thông qua hiến pháp và một luật bầu cử rõ ràng rồi mới ấn định ngày bỏ phiếu. 

2. EU áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu Mỹ từ tháng 7.

Ngày 6-6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo  Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 7 tới sẽ bắt đầu đánh thuế bổ sung đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế suất mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu từ EU. 

Các nước thành viên EU đã ủng hộ kế hoạch của EC, theo đó đề ra mức thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ trị giá 2,8 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD). 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ủy viên EC Maros Sefcovic cho biết EC dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục liên quan trước cuối tháng 6 với sự phối hợp của các nước thành viên để có thể áp mức thuế mới bắt đầu từ tháng 7. 

Trước đó, ngày 31-5, Mỹ tuyên bố chính thức áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sau hai tháng tạm miễn. Ngay sau thông báo của Mỹ, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tuyên bố quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa. 

Giới chuyên gia lo ngại động thái của Washington sẽ đẩy cao nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác. 

3. WWF cảnh báo tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Địa Trung Hải.

Biển Địa Trung Hải có nguy cơ trở thành “biển của rác thải nhựa”. Đây là cảnh báo mà Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa ra trong báo cáo mới nhất nhằm kêu gọi các biện pháp làm sạch một trong những vùng biển ô nhiễm rác thải nhựa nặng nề nhất thế giới. 

Trong báo cáo “Vượt qua cạm bẫy nhựa: Cứu biển Địa Trung Hải khỏi ô nhiễm rác thải nhựa”,  WWF cho hay mức độ tập trung các hạt nhựa siêu nhỏ tại biển Địa Trung Hải cao kỷ lục, gấp 4 lần so với các vùng biển khác trên thế giới. Hạt nhựa siêu nhỏ là những mảnh nhựa nhỏ ly ti có kích thước chưa tới 5 mm và ngày càng xuất hiện nhiều trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người. Báo cáo nhấn mạnh nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ việc nhựa được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất và được coi là một phần quan trọng trong cuộc sống con người, trong khi nhiều nước không chú trọng quá trình xử lý và tái chế rác thải nhựa. Hiện ở châu Âu chỉ khoảng 25% số rác thải nhựa  được xử lý. 

Để ngăn chặn tình trạng này, WWF cho rằng cần có một thỏa thuận quốc tế nhằm giảm lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, đến năm 2025, tất cả các nước xung quanh Địa Trung Hải cần đẩy mạnh việc xử lý tái chế loại rác thải này, đưa ra các biện pháp hạn chế việc sử dụng nhựa như túi, chai nhựa và các hạt nhựa trong bột giặt hay đồ mỹ phẩm.