Nhà giáo Ưu tú Lê Anh Tuấn luôn tận tâm với nghề

(NTO) Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Ninh Thuận nêu gương sáng điển hình trong phong trào Thi đua yêu nước của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) (ảnh). Một đời tận tâm với nghề dạy học, thầy Tuấn được đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò yêu mến bởi lòng đam mê nghiên cứu khoa học và truyền lửa sáng tạo cho sinh viên. Thầy giáo Lê Anh Tuấn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Sinh trưởng ở làng biển Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), thầy giáo Lê Anh Tuấn đã nỗ lực thi đỗ chuyên ngành Toán học của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, được phân công về giảng dạy tại Trường CĐSP Ninh Thuận từ năm 1985 đến nay. Gần 35 năm gắn bó với nghề dạy học, thầy giáo Tuấn cùng Hội đồng sư phạm nhà trường đào tạo hàng ngàn sinh viên phục vụ sự nghiệp trồng người trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Với lòng đam mê nghiên cứu khoa học, thầy giáo theo học chương trình cao học chuyên ngành Giải tích toán học tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Sau khi hoàn thành xuất sắc chương trình cao học vào năm 2001, thầy giáo Tuấn tiếp tục nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý thuyết tối ưu tại Viện Toán học Việt Nam. Đến năm 2007, được nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Toán học với luận án “Bài toán tựa cân bằng vectơ suy rộng với ánh xạ đa trị”. Thầy giáo Tuấn trở thành một trong những thầy giáo trực tiếp giảng dạy có học vị Tiến sĩ chuyên ngành Toán học đầu tiên ở tỉnh ta.

Ngoài thời gian giảng dạy, thầy giáo Tuấn tâm huyết dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học. Thầy có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn giảng dạy đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp dạy và học theo tinh thần Nghị Quyết 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó có những sáng kiến được công nhận cấp tỉnh như “Phương pháp dạy học Toán tiểu học”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Toán tiểu học theo mô hình trường học mới VNEN”; “Một số vấn đề về mô hình trường học mới trong dạy học Toán lớp 6”. Trong những năm gần đây, thầy giáo Tuấn là tác giả của nhiều bài viết chuyên ngành Toán học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước như: Các điều kiện tối ưu xấp xỉ cho các bài toán tối ưu véc-tơ đa trị; Tính nửa liên tục trên trong bài toán biến phân suy rộng và áp dụng; Tính nhạy nghiệm trong các bài toán tựa cân bằng véc-tơ hỗn hợp suy rộng với hình nón di động; Nâng cao chất lượng dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam; Một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục tại Trường CĐSP Ninh Thuận…

Thầy giáo Tuấn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu toán học như: Một số lớp bài toán tựa cân bằng tổng quát suy rộng với ánh xạ đa trị còn chưa được khảo sát; Nghiên cứu sự tồn tại nghiệm cho một số lớp mới về bài toán tựa cân bằng tổng quát suy rộng với ánh xạ đa trị; Nghiên cứu sự ổn định và độ nhạy của nghiệm trong bài toán tựa cân bằng tổng quát; Nghiên cứu sự đối ngẫu trong các bài toán tựa cân bằng đa trị. Thầy Tuấn cho biết các công trình nghiên cứu khoa học nêu trên là vấn đề mới, có tính thời sự, đang được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện Toán học Việt Nam, thầy giáo Tuấn được mời báo cáo chủ đề “Bài toán tựa cân bằng vectơ đa trị”tại Hội nghị khoa học các thế hệ nghiên cứu sinh Viện Toán học, tháng 10- 2015.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết: Từ cuối năm 2015 đến nay, với vai trò Hiệu trưởng Trường CĐSP Ninh Thuận, tôi luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và của Ngành GD và ĐT nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sinh viên chuyên ngành sư phạm bổ sung đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh. Nhà trường được lãnh đạo tỉnh chọn làm đối tác để mở Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận. Phân hiệu hoạt động hiệu quả thu hút đông đảo sinh viên trong và ngoài tỉnh học tập, đáp ứng tốt nguồn nhân lực cho tỉnh nhà và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ- Tây Nguyên. Nhà trường tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng đẩy mạnh phong trào đổi mới phương pháp dạy học và phong trào phát huy sáng kiến, nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy. Đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt chính khoá, ngoại khoá giúp sinh viên nâng cao kỹ năng xã hội và tổ chức sinh hoạt truyền thống nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần phấn đấu vươn lên của sinh viên. Chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, giảng viên nâng cao lý luận chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu công tác đào tạo trong tình hình mới. Xây dựng Đảng bộ nhà trường nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, sinh viên, tạo mọi điều kiện cho sinh viên người dân tộc thiểu số yên tâm học tập. Liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD và ĐT.

Bằng những việc làm thiết thực của mình, thầy giáo Lê Anh Tuấn đã có nhiều đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển GD và ĐT tỉnh nhà. Thầy giáo vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác GD và ĐT, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2016, được Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn được Sở GD và ĐT bầu chọn cá nhân tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn ngành giai đoạn 2016- 2020; là 1 trong 2 cá nhân của ngành GD và ĐT được tuyên dương tại lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của tỉnh.