Kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018)

Giá trị thời đại Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thi đua yêu nước có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta từng bước phát triển, thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng, đem lại những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 70 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, đến nay tư tưởng của Người về thi đua ái quốc vẫn vẹn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc.

Giá trị của “Thi đua ái quốc”

Theo Hồ Chí Minh, thi đua là tất yếu, là công việc thường xuyên, liên tục, là “công việc hằng ngày của tất cả mọi người”, thi đua ở mọi lúc, mọi nơi, trong thời chiến cũng như trong thời bình, trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước. Thi đua không chỉ là hoạt động cụ thể, sáng tạo trong lao động sản xuất và chiến đấu, mà thi đua còn là một hoạt động mang tầm tư tưởng, chính trị và tinh thần. Qua phong trào thi đua, đánh giá được ý chí, nghị lực của con người, tinh thần đoàn kết nhất trí trong cộng đồng dân cư và toàn thể dân tộc. Thi đua là môi trường tốt nhất để tăng cường và phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, là sợi dây gắn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Thông qua phong trào thi đua, mỗi người dân Việt Nam sẽ có cơ hội phát huy khả năng, thế mạnh của mình, cống hiến trí lực vào sự nghiệp cách mạng chung: “Diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm” phấn đấu vì mục tiêu làm cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (1) như Bác hồ hằng mong muốn.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua không chỉ đơn thuần là hoạt động đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, hăng say lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất làm giàu cho quê hương, đất nước, mà thi đua còn là sự thể hiện tâm tư, tình cảm của mỗi con người Việt Nam đối với quê hương, đất nước. Vì vậy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất” (2).

Theo Hồ Chí Minh, thi đua và yêu nước là hai thành tố luôn gắn bó mật thiết, biện chứng với nhau. Trên cơ sở kế thừa truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam, từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh lấy thi đua làm động lực để phát huy lòng yêu nước, lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua thông qua những hoạt động cụ thể của mỗi con người trong quá trình lao động sản xuất và chiến đấu. “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, chúng ta phải đi mau. Vì vậy, … phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước. Như thế thì: Kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công” (3).

Thi đua ái quốc xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của nhân dân, đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, thể hiện khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam. Chính vì vậy, ngay từ khi ra lời kêu gọi và phát động phong trào thi đua, mỗi người dân Việt Nam ý thức được vai trò, trách nhiệm, bổn phận của mình, tích cực hưởng ứng, tham gia với tinh thần tự giác: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau… mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” (4).

Thi đua ái quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không đơn thuần thể hiện ở những lời kêu gọi, mà nó còn được thể hiện ở sự quan tâm sâu sát của Người đến từng phong trào thi đua cụ thể, thi đua phải có tính thực tiễn, phải đem lại kết quả thiết thực, qua thi đua phải thực sự đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc, nền độc lập của dân tộc ngày càng được bảo đảm, giữ vững.

Thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy, dù bận “trăm công nghìn việc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phòng trào thi đua yêu nước. Ngày 1-6-1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký 2 sắc lệnh: Sắc lệnh số 195-SL, về việc thành lập Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương và Ban vận động thi đua ái quốc các cấp; Sắc lệnh số 196-SL, về việc đề cử những cán bộ có uy tín trong Chính phủ, Quốc hội, đoàn thể vào Ban vận động thi đua ái quốc do cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban. Người chỉ đạo Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương phải có kế hoạch, chương trình huấn luyện thiết thực, có ban huấn luyện, cán bộ huấn luyện chuyên nghiệp làm nòng cốt cho các phong trào thi đua ở các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Người luôn nhấn mạnh, để thi đua bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, đi vào thực tế cuộc sống, thì cần phải bám sát phong trào thi đua. Phải phát huy được truyền thống yêu quê hương, đất nước ở mỗi con người Việt Nam, phải có kế hoạch thi đua cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân tham gia phong trào, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tránh bệnh thành tích, hình thức… Bên cạnh đó, để phong trào thi đua đạt kết quả tốt cần phải có sự đánh giá tổng kết thực tiễn, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm về những kết quả đạt được để kịp thời phát huy những mặt tích cực, sửa đổi những mặt hạn chế… Người chỉ rõ: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xem xét kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người) trong lúc thi đua phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi” (5).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc.

Nhận thức được tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng, kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phong trào thi đua yêu nước, coi đó là động lực quan trọng hàng đầu đưa nước ta vượt qua khó khăn thử thách, sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo đà đuổi kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, cần làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thi đua ái quốc trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Thực tiễn cho thấy, trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, nhờ phong trào thi đua yêu nước mà nhân dân ta từng bước giành thắng lợi to lớn trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất. Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, nước ta thực hiện đường lối đổi mới, bước sang nền kinh tế thị trường, có không ít nhận thức sai lầm cho rằng, thi đua lúc này không còn quan trọng nữa, bởi vì trong nền kinh tế thị trường mạnh ai người ấy làm trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh. Điều này trái ngược với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, vì theo Người, thi đua là tất yếu, là “công việc hằng ngày của tất cả mọi người”, là vấn đề chiến lược lâu dài, luôn có tính thời sự, thi đua không chỉ trong lịch sử, hiện tại mà cả tương lai: “Thi đua phải lâu dài và rộng khắp, không phải chỉ trong một thời gian nào (những ngày kỷ niệm là đợt để lấy đà và để kiểm thảo, chứ không phải qua những ngày ấy rồi lại nghỉ thi đua), không phải chỉ riêng ngành nào, nhóm nào” (6), và “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ do nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua. Phong trào thi đua yêu nước của ta ngày càng phát triển vì nhân dân ta làm chủ nước nhà” (7).

Thi đua ở mọi lúc, mọi nơi, trước đây, thi đua kháng chiến, kiến quốc thành công, thì ngày nay thi đua nhằm bảo đảm nền độc lập vững chắc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ hai, thi đua phải thiết thực trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, là trách nhiệm, bốn phận của người dân Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thông qua các bài viết, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh công việc thi đua là trách nhiệm của toàn xã hội, được thực hiện trong mọi lúc, mọi nơi, thi đua phải thiết thực, hiệu quả với tinh thần: “Người người thi đua, Ngành ngành thi đua, Ngày ngày thi đua” (8).

Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, Đảng, Nhà nước ta có những chỉ đạo sát sao đối với các phong trào thi đua nhằm bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả của phong trào thi đua trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Thực tiễn cho thấy, trong mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, thi đua yêu nước lại có những nét mới về chất và đặc điểm mới, cũng như mục tiêu mới. Do vậy, khi đề ra mục tiêu thi đua phải luôn gắn liền với nhiệm vụ công việc hằng ngày và gắn liền với mục đích, yêu cầu chung trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng để hướng quần chúng nhân dân vào mục tiêu đó mà phấn đấu thi đua đạt kết quả tốt.

Thi đua phải có mục đích, mục tiêu cụ thể. Nếu như trước kia, thi đua nhằm ba mục đích: “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, thì nay mục tiêu của thi đua luôn bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của từng địa phương, đơn vị. Mỗi cá nhân, tập thể cần có mục tiêu cụ thể, thiết thực trong quá trình thi đua, thi đua gắn chặt với các hoạt động lao động, sản xuất, học tập của từng ngành, nghề, với mọi lứa tuổi, từng vùng miền… Thi đua phải có mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Gắn liền với thi đua hăng say lao động sản xuất cần phải thi đua cần, kiệm, liêm, chính, chống quan liêu, tham ô lãng phí.

Thi đua là dùng lực lượng của dân, tinh thần của dân để đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Thi đua là phong trào của dân, vì lợi ích của dân và do chính dân thực hiện. Do vậy, muốn phong trào thi đua đạt kết quả tốt cần phải huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trên phạm vi toàn quốc với tinh thần: “Người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều” (9).

Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền với công tác thi đua. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác thi đua. Trong các bức thư gửi Hội Thi đua ái quốc, Người thẳng thắn phê bình những mặt chưa được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khen ngợi những việc đã làm được và cần phát huy hơn nữa. Trong thư gửi Hội Thi đua ái quốc 6-1949, Người viết: “Tôi gửi lời thân ái chúc hội nghị có kết quả tốt. Sau đây là vài ý kiến của tôi đối với phong trào thi đua ái quốc, để giúp cho các đại biểu thảo luận: Phong trào khá cao và rộng, bộ đội, đoàn thể, cơ quan và nhân dân hăng hái. Nhiều đơn vị đã có kết quả. Nhưng: Tổ chức và lãnh đạo còn kém, không phát triển được hết sáng kiến và năng lực của quần chúng; cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm. Vậy tôi rất mong Hội nghị tìm cách sửa chữa những khuyết điểm ấy, và mỗi một cán bộ, mỗi một đồng bào, mỗi một ngành đều ra sức thiết thực thi đua với tinh thần chuẩn bị tổng phản công. Như vậy, thì thi đua nhất định thành công” (10).

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), ngày 23-1-2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW, về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong đó nêu rõ: Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, đưa phong chào thi đua yêu nước trở thành động lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong thi đua, khen thưởng.

Gắn liền với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền với công tác thi đua thì sự cần thiết phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, người cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng. Người lãnh đạo làm công tác thi đua, khen thưởng ngoài việc nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, cần có tinh thần hăng say, nhiệt tình với công việc, có năng lực, có khả năng tổ chức phong trào, “chí công vô tư” trong đánh giá, bình xét thi đua…

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn Ban Thi đua - Khen thưởng, kịp thời động viên khen thưởng. Những năm gần đây, công tác thi đua, khen thưởng luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, thoát nghèo, phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Năm 2003, Luật Thi đua khen thưởng được ban hành, năm 2004, Ban Thi đua- Khen thưởng được thành lập theo Nghị định số 158/2014/NĐ-CP trên cơ sở Viện Thi đua và Khen thưởng nhà nước. Các phong trào thi đua mới tiếp tục được phát động tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong mỗi con người Việt Nam, các Đại hội Thi đua toàn quốc được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, qua đó biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua toàn quốc.

Công tác khen thưởng cần từng bước được đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời và quan tâm người lao động trực tiếp. Việc khen thưởng phản ánh đúng kết quả của từng phong trào cá nhân thi đua, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương, khơi gợi tinh thần thi đua yêu nước đối với mọi người dân. Việc khen thưởng, động viên được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời, không nhất thiết phải để đến kỳ sơ, tổng kết mới làm.

Có thể khẳng định rằng, 70 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, đến nay tư tưởng của Người về thi đua ái quốc vẫn vẹn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Việc vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong thực tiễn đổi mới của đất nước hôm nay là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa nước ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, tiến tới xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như Bác Hồ hằng mong muốn.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.379
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.270
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 419, 444
(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.270
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.549
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.557
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.236
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.1329