Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng

(NTO) Qua gần hai năm triển khai thực hiện Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, có thể nói, chất lượng sản phẩm dịch vụ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Từ cuối năm 2016 đến nay, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thành lập thêm 5 phòng giao dịch (PGD), trong đó, 2 PGD ở huyện Ninh Hải, 1 PGD ở huyện Ninh Sơn, 1 PGD ở huyện Ninh Phước và riêng huyện Thuận Nam PGD được đặt ở địa bàn nông thôn (xã Cà Ná), nâng tổng số chi nhánh và PGD của các TCTD trên địa bàn tỉnh lên 42 chi nhánh, PGD. Trong số này, đóng trên địa bàn trung tâm huyện có 14 chi nhánh và PGD, chiếm 33,33%; đóng trên địa bàn nông thôn (xã) có 6 chi nhánh và PGD, chiếm 14,3%, qua đó đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng (DVNH) của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. So với mục tiêu đề ra đã hoàn thành trước thời gian (Kế hoạch đến năm 2020, có từ 40-45 chi nhánh, PGD của ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động trên địa bàn, trong đó tỷ lệ chi nhánh và PGD mở tại địa bàn nông thôn đạt 15%).

Tại các địa phương, các TCTD còn chú trọng đẩy mạnh việc cung ứng các sản phẩm, DVNH với thủ tục đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của khách hàng nói chung và đại bộ phận dân cư ở nông thôn nói riêng, góp phần hỗ trợ công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu quý II-2018, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt trên 11.541 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với cuối năm 2016. Trong đó, số dư tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân đạt 8.338 tỷ đồng/158.638 khách hàng, chiếm 72,25% tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,27 lần so với cuối năm 2016.

Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Ninh Phước hướng dẫn
hồ sơ, thủ tục vay vốn cho khách hàng tại xã Phước Diêm (Thuận Nam).

Về đầu tư tín dụng, các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhất là chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, cùng thời gian trên, dư nợ cho vay đạt trên 18.124 tỷ đồng, tăng 1,22 lần so với cuối năm 2016. Trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đạt 5.490 tỷ đồng / 41.650 khách hàng còn dư nợ, tăng 1,3 lần; dư nợ cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các TCTD trên địa bàn đối với 47 xã đạt 3.800 tỷ đồng/103.843 khách hàng, tăng 1,21 lần; dư nợ cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đạt 397,588 tỷ đồng/43 ngư dân. Đối với cho vay doanh nghiệp đạt dư nợ 6.252 tỷ đồng với tổng số 1.180 doanh nghiệp, tăng 1,13 lần so với cuối năm 2016, chiếm 38,6% dư nợ cho vay của các NHTM, chiếm 43% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 3.085 tỷ đồng/826 doanh nghiệp, chiếm 49,34% dư nợ cho vay doanh nghiệp, chiếm 33,7% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, tăng 1,27 lần. Riêng số lượng khách hàng cá nhân hiện có số dư tín dụng tại các TCTD trên địa bàn đạt 156.572 khách hàng với dư nợ đạt 9.351 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng dư nợ tín dụng, tăng 1,63 lần so với cuối năm 2016.

Hầu hết các NHTM trên địa bàn tỉnh đều triển khai áp dụng công nghệ thông tin, viễn thông (Internet banking và mobile banking) với doanh số giao dịch tăng hơn nhiều so với trước khi triển khai đề án cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Cụ thể, năm 2017 có 9/9 chi nhánh NHTM trên địa bàn áp dụng internet banking, mobile banking với số lượng giao dịch phát sinh trong năm đạt 2.832 tỷ đồng/324.464 món, cao gấp 1,84 lần về giá trị giao dịch và 6,42 lần về số lượng giao dịch so với năm 2016, riêng quý I-2018 đã đạt trên 721 tỷ đồng/80.265 món...

Đồng chí Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương gắn với cải tiến quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội về dịch vụ, tiện ích ngân hàng thông qua triển khai, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và công nghệ, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng.