Hội nghị chuyên đề về phát triển chăn nuôi

(NTO) Ngày 24-5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển chăn nuôi gắn với chuỗi giá trị, giết mổ tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn tỉnh hiện có 14 trang trại chăn nuôi bò với số lượng gần 2.000 con; 9 trang trại nuôi dê, cừu với số lượng hơn 6.000 con. Riêng chăn nuôi heo hiện có 45 cơ sở chăn nuôi tập trung với số lượng 41.400 con; trong đó, có 44 cơ sở nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi heo CP chi nhánh Ninh Thuận với số lượng 40.500 con. Công tác xây dựng thương hiệu các mặt hàng đặc sản được quan tâm, qua đó heo đen Bác Ái, Thuận Bắc đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị thảo luận, đề ra định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi trong thời gian tới theo hướng tăng tỷ trọng, phấn đấu đến năm 2020 chiếm 33,9% cơ cấu giá trị ngành Nông nghiệp. Tổ chức lại chăn nuôi theo hướng gắn với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Chuyển từ nuôi phân tán sang tập trung theo quy mô trang trại vừa và nhỏ; duy trì chăn nuôi hộ gia đình theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Xây dựng sản phẩm đặc thù của địa phương, chuỗi giá trị thực phẩm sạch, tổ chức hợp tác, liên kết để tăng nguồn cung cấp đáp ứng yêu cầu thị trường; phát huy lợi thế thương hiệu chứng nhận của địa phương như cừu, dê, heo đen, gà đồi… gắn với chuỗi liên kết; đề cao vai trò của chủ cơ sở giết mổ, doanh nghiệp kết nối đầu ra với từng phân khúc thị trường.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các tham luận báo cáo tại hội nghị. Đồng thời chỉ ra những thách thức của ngành chăn nuôi tỉnh ta hiện nay, đó là chưa tạo được đột phá để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm đặc thù, chất lượng chưa cao, nhiều dự án, mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật khó nhân rộng. Về định hướng phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sẽ đa dạng các mô hình sản xuất có kết hợp với doanh nghiệp và tùy theo quy mô, mức độ ở từng địa phương để có phương thức hỗ trợ phát triển phù hợp. Trước mắt cần chọn những mô hình tiêu biểu để liên kết sản xuất, duy trì, mở rộng tổ hợp tác, hợp tác liên kết chăn nuôi không tách rời trồng trọt nhằm tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Về lâu dài, đồng chí đề nghị từng huyện chủ động xây dựng chương trình, dự án phát triển chăn nuôi phù hợp với địa phương mình; ngành Nông nghiệp tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi bền vững. Tiếp tục nghiên cứu, lai tạo nâng cao chất lượng giống vật nuôi, giống cây trồng làm thức ăn gia súc, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi thích ứng với điều kiện khí hậu nắng hạn. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù của ngành chăn nuôi để nâng cao khả năng cạnh tranh mặt hàng thực phẩm trên thị trường.