Sôi nổi phong trào rèn luyện thân thể qua môn võ thuật

(NTO) Bên cạnh các môn thể dục thể thao truyền thống như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bóng rổ… những năm gần đây, nhiều em trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng chọn võ thuật để rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng tự vệ. Do đó, phong trào học võ thuật trên địa bàn tỉnh ta diễn ra khá sôi nổi.

Hằng ngày khoảng 18 giờ, tại Trung tâm Hoạt động Thanh-Thiếu niên nhộn nhịp hơn hẳn khi có hàng trăm bạn nhỏ trong các bộ trang phục võ thuật màu trắng, xanh, đen tập trung. Đây là những võ sinh đang theo học các lớp võ thuật: Cổ truyền Việt Nam, Vovinam và Teakwondo. Em Lê Huỳnh Phương Thức ở phường Văn Hải, đang theo học Teakwondo cho biết: Năm nay em 14 tuổi và có gần 2 năm học võ. Ban đầu em chỉ muốn học võ để rèn luyện sức khỏe, giúp mình có phản xạ nhanh nhẹn hơn, nhưng nay em rất thích môn học võ này. Sau các buổi luyện tập em thấy trong người rất thoải mái. Còn với em Lê Hưng Thịnh, trú tại phường Mỹ Hương: Lý do em chọn học võ thuật là để trở thành thanh niên có thể chất tốt và tinh thần mạnh mẽ. Dù chỉ mới 10 tuổi nhưng em đã có 2 năm gắn bó với môn Teakwondo.

Lớp học võ thuật Vovinam tại Trung tâm Văn hóa huyện Ninh Hải.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay phong trào rèn luyện thân thể bằng môn võ thuật diễn ra khá sôi nổi trên toàn tỉnh. Vào tất cả các buổi chiều tối trong tuần, tại Nhà văn hóa tỉnh, Nhà Thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên, một số địa điểm công cộng và tại các Trung tâm Văn hóa huyện đều có hàng trăm bạn nhỏ theo học võ. Trong dịp hè, số lượng các em tham gia học võ tăng lên nhiều lần. Các môn võ được truyền dạy tại tỉnh ta: Võ Cổ truyền Việt Nam; Vovinam, Teakwondo và Karatedo. Các em theo học ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Có em đã 14, 15 tuổi, nhưng có em chỉ mới lên 6, lên 7 tuổi. Thậm chí ở lớp võ thuật Teakwondo của anh Huỳnh Đức Anh, tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên có một bé gái chỉ mới 4 tuổi nhưng cũng được cha xin cho đi học với mong muốn tạo cho con ý thức rèn luyện sức khỏe, tập làm quen với môi trường kỷ cương, nền nếp.

Trái với quan niệm ngày xưa võ thuật là môn thể thao dành cho phái nam, hiện nay có rất nhiều các bạn nữ tham gia môn học này. Tranh thủ thời gian nghỉ tại chỗ sau khi hoàn thành động tác lộn người, em Phạm Trần Bảo Trân, 8 tuổi, đang theo học môn Vovinam tại Trung tâm Văn hóa huyện Ninh Hải cho biết: Em học võ từ khi lên 5 tuổi. Càng học em càng thấy mình yêu thích, giúp em có phản xạ nhanh hơn, sức khỏe tốt hơn và biết cách để tự vệ khi gặp nguy hiểm. Cũng vì lẽ đó mà em Nguyễn Lê Phương Như, 10 tuổi, ở xã Hộ Hải (Ninh Hải), đang là học sinh Trường TH Đài Sơn đăng ký theo học môn võ Vovinam tại Trung tâm Hoạt động thanh-thiếu niên đã 2 năm nay. Vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy, sau giờ học tại trường em ghé vào Trung tâm để học võ xong rồi mới về nhà. Đặc biệt, hiện nay, trước tình trạng nhiều trẻ em bị dụ dỗ, bắt cóc và bị xâm hại, có rất nhiều phụ huynh khuyến khích con em mình tham gia các lớp học võ thuật để giúp các em biết tự bảo vệ bản thân. Như gia đình em Nguyễn Lê Công Hiếu, ở khu phố Khánh Hiệp, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) có 3 chị em thì cả 3 đều được cha mẹ động viên đi học võ Vovinam tại Trung tâm Văn hóa huyện Ninh Hải. Trong đó, chị gái đầu đã 16 tuổi, còn Hiếu 8 tuổi và cậu em trai út chỉ mới 6 tuổi. Cho con học võ để rèn luyện sức khỏe, song họ cũng yên tâm hơn về con cái khi không có người lớn giám sát. Điều này góp phần làm cho phong trào học võ thuật trên địa bàn tỉnh ta diễn ra sôi nổi hơn.

Anh Dương Ngọc Thạch, huấn luyện viên môn võ thuật Vovinam tại Trung tâm Văn hóa huyện Ninh Hải, cho biết: Ngoài việc rèn luyện sức khỏe và tăng khả năng tự vệ, võ thuật còn giúp người học rèn tâm, luyện tính, tăng cường ý chí, nghị lực cho bản thân, góp phần xây dựng một con người có nhân cách tốt, biết sống xả thân vì mọi người. Tuy nhiên để học được điều này, các em phải từ khoảng 14 tuổi trở lên. Song điều đáng tiếc là nhiều em sau thời gian dài luyện tập võ thuật, khi bước vào bậc THPT lại bận rộn với việc học hành nên nghỉ học võ. Do đó, song song với truyền dạy võ thuật cho các em, anh cũng thường xuyên kết nối, trao đổi với gia đình để họ động viên con em theo học lâu dài và xem đây như là một phương pháp để rèn luyện sức khỏe và nhân cách con người.