Nét đẹp Làng Sen

(NTO) Về thăm Làng Sen quê hương Bác Hồ, chúng ta được đắm mình trong không gian xanh biếc của hương sắc miệt vườn miền Trung. Nhà tiếp nhà là giậu hoa râm bụt xanh mởn đơm bông hình loa kèn đỏ thắm. Vườn tiếp vườn là những vạt chè xanh mượt, những hàng cau trổ buồng chật trái non xanh. Lối vào nhà Bác, chúng ta gặp những ao sen bông hường nhụy vàng thơm tinh khiết làm xao xuyến lòng người.

Những địa danh Đồng Sen Cạn, Đồng Sen Sâu, Giếng Sen, Đầm Sen, Vực Sen, Chợ Sen, Cồn Sen…đã làm nên một cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hữu tình riêng có của Làng Sen (xưa thuộc xã Chung Cự nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Người Làng Sen dung dị, ân tình tự hào về nét đẹp quê hương đã gởi gắm trong những câu hát phường vải tình tứ trao duyên: Kim Liên có cánh sen vàng/ Chào chàng nho sĩ tới làng Kim Liên/Chiều chiều ra đứng Cồn Sen/ Bạch Liên đỏ bạch, hồng sen đỏ hồng… Người Làng Sen xưa sinh sống bằng các nghề làm ruộng, trồng bông dệt vải, đan lát mây tre. Tuổi thơ của Bác gắn liền với truyền thống văn hoá làng và sự nuôi dạy chu đáo của gia đình. Mỗi con đường ngõ xóm, mỗi địa danh ở đây đều gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ của Người. Theo những người cao tuổi trong làng kể lại, thời thơ ấu sống ở quê nhà, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ thuở nhỏ) thường ra núi Chung thả diều, kéo co với bạn trang lứa. Núi Chung là căn cứ tụ họp anh hùng hào kiệt tham gia phong trào Cần Vương khởi nghĩa đánh Pháp tại vùng đất Nghệ An gắn với tên tuổi của những người con ưu tú của Làng Sen như Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến. Tác giả bài viết này đã nhiều lần thăm quê hương Làng Sen và cảm tác về Núi Chung gắn với kỷ niệm tuổi thơ của Bác Hồ kính yêu: “Con về thăm lại Núi Chung/ Chợt nghe tiếng sáo diều rung giữa chiều/ Ngàn thông nay đã xanh đồi/ Cỏ non in dấu chân Người tuổi thơ”.

Ao sen quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: ST

Về Làng Sen, chúng ta vào thăm ngôi nhà của gia đình Bác sinh sống thời thơ ấu. Ngôi nhà tranh năm gian đơn sơ như bao ngôi nhà nông dân Việt Nam xưa. Trong nhà trưng bày những kỷ vật gắn liền với cuộc sống của gia đình Bác như phản gỗ, chõng tre, võng gai, bàn thờ, bếp ... Ngôi nhà này được dân làng Kim Liên đóng góp công sức xây dựng để tặng thân sinh Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng khoa thi Hội năm Tân Sửu- 1901. Cụ Nguyễn Sinh Sắc là người đỗ đạt cao nhất (đại khoa) của xã Chung Cự ngày ấy. Chuyện kể lại rằng Hội đồng kỳ mục xã Chung Cự trích 200 quan tiền cho cụ Sắc làm lễ ăn khao đỗ đại khoa. Cụ chỉ nhận 10 quan mua trầu nước, số tiền còn lại, cụ chia cho những người nghèo trong làng có vốn làm ăn.

Về thăm Làng Sen, chúng ta được sống trong không gian quê Bác ân tình. Được nghe những người cao tuổi trong làng hát điệu phường vải chan chứa tình thâm. Làng Sen trở thành làng quê chung của mỗi chúng ta ghi nhớ công lao trời biển của Bác Hồ. Người đã quên mình để suốt đời chăm lo cho tự do dân tộc, độc lập Tổ quốc và hạnh phúc mỗi người dân Việt Nam thân yêu.