Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi

(NTO) Ngày 17-5, Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi do đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng dẫn đầu đến làm việc với tỉnh ta về kết quả cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông-xuân và kế hoạch sản xuất vụ hè-thu năm 2018. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Theo báo cáo, công tác cấp nước sản xuất vụ đông-xuân có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh ngay từ đầu vụ. Ngành chức năng, các địa phương chủ động triển khai nạo vét kênh mương, duy trì hoạt động dùng nước PIM, qua đó tiết kiệm được lượng nước đáng kể. Trong điều kiện nắng hạn vẫn đảm bảo tưới cho cây trồng, với tổng diện tích 26.331 ha; trong đó, lúa 16.976 ha, còn lại là rau màu các loại. Sản xuất vụ hè - thu dự báo tình hình hạn hán kéo dài, nhiều vùng sản xuất sẽ bị thiếu nước. Tính đến ngày 16- 5, lượng nước tích tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 107,7/194,5 triệu m3, đạt 55,37% dung tích thiết kế; trong đó, có 6 hồ chứa nước xuống thấp dừng cấp nước sản xuất để dành nước phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt. Dự kiến diện tích dừng sản xuất ở vụ hè - thu 6.438,56 ha, trong đó, lúa 4.022,26 ha. Trước tình hình hạn hán, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tăng cường công tác chuyển đổi cây trồng cạn, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, điều tiết nước nhanh và kịp thời, tránh lãnh phí.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Tỉnh chia sẻ những khó khăn mà tỉnh ta đang gặp và đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với khô hạn. Năm nay hạn tuy chưa gay gắt như đợt 2014 - 2016, nhưng hiện nay một số nơi đã thiếu nước, đòi hỏi phải có giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Thời gian qua, Trung ương, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đầu tư những công trình chống hạn cấp bách cho Ninh Thuận đã phát huy hiệu quả, mở rộng hệ thống kênh nương, đặc biệt, Dự án hồ Tân Mỹ được khởi động trở lại có dung tích lớn bằng tổng dung tích của 21 hồ chứa hiện nay, khi hoàn thành đưa vào sử dụng tạo nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiếp nước cho các hồ chứa ở vùng hạ lưu. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sử dụng nước; điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Để ứng phó với hạn hán một cách hiệu quả, đồng chí gợi ý tỉnh nên triển khai xây dựng Đề án điều tiết nước hợp lý phục vụ toàn diện các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân…

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin với đoàn những kết quả đạt được trong công tác chỉ đạo ứng phó với hạn hán của tỉnh. Trong điều kiện thường xuyên phải chịu những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chủ động đề ra các giải pháp tạo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương không tổ chức trồng lúa ở những khu vực thường xuyên bị hạn hán. Chương trình chuyển đổi cây trồng cạn ít sử dụng nước được tăng cường và có chuyển biến tích cực theo hướng dần đi vào chiều sâu, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, thông qua thực hiện quy trình VietGAP đã tiết kiệm được lượng nước tưới đáng kể, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân. Mô hình cánh đồng lớn nhanh chóng được nhân rộng, từ hơn 50 ha ở vụ hè - thu 2017, đến nay tăng lên 1.500 ha. Về giải pháp ứng phó với hạn hán lâu dài, tỉnh đã xây dựng phương án liên thông các hồ chứa; đồng thời, khuyến khích các nông hộ đào ao trữ nước vào mùa mưa.