Chuyển biến trong công tác dân số - chăm sóc sức khỏe sinh sản

(NTO) Qua gần 8 năm triển thực hiện Chiến lược Dân số-Sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, kế hoạch, chương trình, đề án, văn bản hướng dẫn của Trung ương, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược DS-SKSS trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành.

Công tác DS-SKSS đã tác động mạnh mẽ và giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; nâng cao ý thức trách nhiệm từng cấp, từng ngành về DS-SKSS.

Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xác định công tác DS-SKSS là một bộ phận quan trọng của kế hoạch phát triển KT-XH, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Từ đó, đã tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo nên chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách DS-SKSS đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững nền KT-XH; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của mọi người dân ngày càng được nâng cao...Trong giai đoạn 2011-2018, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh ta đã đầu tư 45,9 tỷ đồng cho công tác DS-SKSS và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Từ nguồn lực trên, 10 mục tiêu, gồm: Nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, tập trung vào làm mẹ an toàn, cấp cứu sản khoa, cấp cứu sơ sinh; giảm sinh một cách bền vững để đạt mức sinh thay thế bình quân toàn tỉnh đảm bảo quy mô dân số phù hợp với phát triển KT-XH; nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS và sức khỏe bà mẹ; kiểm soát mức tăng tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng đầy đủ nhu cầu KHHGĐ của Nhân dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ của người dân, đặc biệt người dân ở miền núi, vùng khó khăn; giảm nhiễm đường khuẩn sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, chú trọng sàng lọc ung thư đường sinh sản ở nhóm phụ nữ 30-54 tuổi; cải thiện SKSS vị thành niên, thanh niên và cho các nhóm dân số đặc thù; tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao năng lực quản lý giám sát, thống kê nhất là báo cáo thống kê tình hình tử vong bà mẹ, trẻ em được đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả.

Cán bộ dân số thôn Mỹ Tân 2 (xã Thanh Hải, Ninh Hải) phố biến kiến thức
KHHGĐ đến người dân.Ảnh: N.Diệp

Nhờ vậy, đến nay cơ bản đã thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch DS-SKSS giai đoạn 2011-2020 của tỉnh đề ra. Trong đó, dân số trung bình từ 574,1 ngàn người (năm 2011) lên 607,1 ngàn người (năm 2017, kế hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 640 ngàn người). Tổng số cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai năm 2011 là 63,6% (năm 2011) lên 70,3% (năm 2017); tỷ lệ phát triển DS tự nhiên duy trì mức 1,19% (năm 2011) giảm còn 1,13% (năm 2017); giảm tỷ số giới tính khi sinh ở mức 113 bé trai/100 bé gái (năm 2011) xuống dưới mức 108,1 bé trai/100 bé gái (năm 2017); tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai đạt bình quân 95,8% (chỉ tiêu hàng năm >95%); 100% trung tâm y tế huyện, thành phố có cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho người cao tuổi...

Phát huy các kết quả đạt được, thực hiện Chiến lược DS-SKSS trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh đề ra mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KT-XH. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS; phân bố DS hợp lý; nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Đến năm 2020, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); quy mô DS toàn tỉnh khoảng 701 nghìn người; giảm 50% chênh lệch giữa mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; tỷ lệ giới tính khí sinh 109 bé trai/100 bé gái; nâng cao sức khoẻ bà mẹ, giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em; 70% bà mẹ mang thai được tầm soát trước sinh; nâng cao chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, thực hiện dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện với vị thành niên, thanh niên; 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh và được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung…

Để đạt được các mục tiêu, tỉnh ta đề ra các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác DS-SKSS các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác DS-SKSS. Cùng với đó, triển khai đồng bộ trên cả diện rộng và chiều sâu các hoạt động tuyên truyền, vận động và truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán của cộng đồng; tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội ủng hộ thực hiện mục tiêu của công tác DS-SKSS; tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực DS-SKSS; nâng cao chất lượng dịch vụ DS-SKSS, đảm bảo tính sẵn có và khả năng tiếp cận, sử dụng thuận lợi của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc SKSS thiết yếu cơ bản tại 100% trạm y tế xã và dịch vụ chăm sóc SKSS thiết yếu tại Bệnh viện Sản Nhi, khoa sản trung tâm y tế huyện; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách DS-SKSS; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế; chú trọng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ DS-SKSS theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tăng cường lồng ghép các vấn đề DS trong chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH; phát huy lợi thế của cơ cấu DS vàng, thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học để góp phần nâng cao chất lượng DS, cải thiện tình trạng SKSS, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển bền vững về KT-XH.