Đặc sắc mùa Ramưwan

(NTO) Trung tuần tháng 5 dương lịch nhằm vào những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 (Hồi lịch), đồng bào Chăm theo đạo Bàni và đạo Islam ở tỉnh ta nhộn nhịp bước vào mùa Ramưwan năm 2018. Đây là mùa lễ quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Hồi với nhiều hoạt động nghi lễ mang đậm sắc thái tín ngưỡng tâm linh. Ramưwan cũng là dịp con cháu sinh sống ở mọi miền đất nước về sum họp gia đình, tộc họ, thôn xóm.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 34.500 người Chăm theo đạo Hồi sinh sống tập trung tại 7 làng Chăm ở các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam. Trong đó có 31.000 người theo đạo Bàni và 3.500 người theo Islam. Trao đổi với chúng tôi, Sư cả Nguyễn Lài, Chủ tịch Hội đồng Sư cả Bàni cho biết mùa Ramưwan 2018 diễn ra trong các ngày 14, 15 và 16-5 dương lịch (nhằm những ngày 29, 30 tháng 8 và mùng 1 tháng 9- Hồi lịch). Đồng bào các làng Chăm nhộn nhịp mua sắm vật phẩm thờ cúng tổ tiên, làm bánh, đóng cốm, mua sắm quần áo mới vui đón Ramưwan. Chính quyền các địa phương tổ chức biểu diễn văn nghệ, giao lưu bóng đá, thăm hỏi các gia đình tiêu biểu. Trong 3 ngày, đồng bào Chăm Bàni thực hiện các nghi thức tảo mộ, cúng tổ tiên cầu mong sức khỏe, bình an, làm ăn thắng lợi. Chiều tối ngày 16-5, các vị chức sắc Bàni vào chùa và các Ban Hakem vào thánh đường thực hiện tháng tịnh chay.

Đồng bào Chăm làng Phước Nhơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải)
tảo mộ tổ tiên trong mùa Ramưwan.

Tảo mộ là nghi lễ khởi đầu mùa Ramưwan thu hút đông đảo các gia đình và du khách đến tham quan chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Chăm Bàni. Sáng sớm tinh mơ, từng đoàn người từ các làng Chăm trong trang phục truyền thống tập trung về nghĩa trang tảo mộ. Người Chăm Bàni khi từ trần được chôn trong nghĩa trang gọi là Ghur. Mỗi tộc họ được Ban Quản lý nghĩa trang phân cho một khoảng đất để chôn cất người thân, đầu và chân mộ đặt hai hòn đá. Lễ vật tảo mộ gồm bánh trái, trà nước, trầu cau tưởng nhớ thân nhân qua đời và rước linh hồn người chết về gia đình đón mùa Ramưwan. Chức sắc Bàni tưới nước thánh tẩy trần lên từng viên đá trên hàng mộ và cầu nguyện mời gọi tổ tiên chứng kiến lễ tảo mộ của con cháu. Những phụ nữ nằm lạy trên các phần mộ thể hiện lòng tôn kính tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ.

Kết thúc lễ tảo mộ, các gia đình về nhà quây quần cùng con cháu tiến hành lễ cúng tổ tiên. Vật phẩm cúng được bày tươm tất trên bộ phản gồm rượu trà, bánh ngọt, cốm, hoa quả, gà luộc, cơm canh…. Vị chủ lễ cúng khấn vái mời gọi ông bà về vui hưởng hoa thơm trái ngọt cùng con cháu và cầu mong dồi dào sức khỏe, học hành tiến bộ, mùa màng tốt tươi, làm ăn thắng lợi, thôn xóm bình an. Người phụ nữ chủ gia đình và con cháu trang phục tươi đẹp ngồi quanh mâm cúng lạy gia tiên. Sau nghi thức cúng tổ tiên, gia đình dùng nước tinh khiết pha hương trầm làm lễ tẩy thể cho các thành viên để rũ bỏ cái cũ, đón năm mới với may mắn, thành công. Các gia đình làm mâm lễ đội đến chùa cúng thần linh đón mừng tháng Ramưwan. Các vị chức sắc đón nhận mâm cúng xếp từng hàng rất đẹp tạo nên hình ảnh đặc trưng của các chùa Bà ni. Chiều ngày 16-5, các vị chức sắc Bàni vào chùa thực hành tháng tịnh chay, đây là hoạt động mang tính tôn nghiêm đối với các vị tu sĩ Bàni. Trong tháng Ramưwan, các vị chức sắc sinh hoạt tại chùa, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn. Đạo Bàni quan niệm thực hiện tháng tịnh chay là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch; vận động tín đồ hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ.

Tháng Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni và Islam là hoạt động tôn giáo mang đậm sắc thái tín ngưỡng tâm linh. Các vị chức sắc động viên tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các gia đình tộc họ đoàn kết giúp đỡ nhau làm ăn vươn lên xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp. Hakem Thành Thanh Tâm, Trưởng Ban Đại điện cộng đồng Islam cho rằng: “Tín đồ tốt trước hết là những người chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, gắn kết với cộng đồng thực hiện tốt các nghi lễ tôn giáo, bảo đảm cuộc sống gia đình hạnh phúc”.