UBND tỉnh: Tổ chức hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao vai trò của các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự

(NTO) Ngày 11-5, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao vai trò của các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự (ANTT) trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ). Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, tính đến tháng 4-2018, toàn tỉnh có 2.596 Tổ nhân dân tự quản với 4.425 thành viên, 20 đội dân phòng với 373 thành viên, 76 tổ an ninh xung kích với 612 thành viên và 113 tộc họ tự quản về ANTT. Hoạt động chủ yếu của các Tổ nhân dân tự quản là giúp chính quyền, công an xã, phường nắm vững tình hình ở từng thôn, khu phố, tham gia phối hợp giải quyết vụ việc khi có yêu cầu. Riêng các đội dân phòng thực hiện các nhiệm vụ theo quy định như bảo vệ hiện trường, tuần tra kiểm soát…Đối với các tổ an ninh xung kích, đã phối hợp tuần tra góp phần giữ vững ANTT tại địa bàn các thôn, khu phố và các tộc họ tự quản đã phối hợp với Ban Quản lý thôn, khu phố, Ủy ban MTTQ Việt nam xã, công an xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền các văn bản pháp luật cho nhân dân.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua khảo sát của công an tỉnh, hiện nay chỉ có một số địa phương duy trì tốt Tổ Nhân dân tự quản; vẫn có trường hợp đội dân phòng hoạt động cầm chừng; nhiều tổ an ninh xung kích còn gặp khó khăn về kinh phí; các tộc họ tự quản còn thiếu sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ý kiến của đại biểu, qua đó cho thấy hiệu quả và sự cần thiết của các mô hình quần chúng tự quản về ANTT. Trong những năm qua, các mô hình đã làm cầu nối giữa Nhân dân với công an và làm tốt công tác giáo dục pháp luật, huy động được vai trò tham gia của Nhân dân trong phong trào TDBVANTQ. Để các mô hình này hoạt động tốt, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, quan tâm hỗ trợ các điều kiện, xâu chuỗi lồng ghép các hình thức tự quản, tập huấn kỹ năng hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm, kịp thời tổng kết, sơ kết và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào. Giao cho Ban chỉ đạo tiếp tục tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh một số quy định không còn phù hợp, tiếp tục nghiên cứu phát triển các mô hình tự quản về ANTT hiệu quả, có giải pháp khuyến khích mô hình tộc họ tự quản về ANTT và nhân rộng mô hình xứ đạo bình yên. Các địa phương tiếp tục khảo sát, giải thể các mô hình không phù hợp và nhân rộng các mô hình ANTT hiệu quả nhằm đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ.