Triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo

(NTO) Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo là lĩnh vực được tỉnh xác định có lợi thế so sánh, ưu tiên phát triển. Sau một thời gian thực hiện chính sách thu hút đầu tư, đến nay một số doanh nghiệp đã đến tỉnh ta tìm cơ hội hợp tác làm ăn lâu dài.

Đầu tháng 4 vừa rồi, Đoàn công tác của Tập đoàn ISE Foods, INC (Nhật Bản) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh để thảo luận một số nội dung liên quan đến việc đầu tư chăn nuôi gia cầm, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp năng lượng mặt trời quy mô 300 ha tại xã Nhị Hà (Thuận Nam) nhằm cung cấp trứng cho thị trường ở khu vực phía Nam và xuất khẩu. Có thể tin cậy vào sự cam kết của đối tác bởi Công ty TNHH ISE Foods là nhà sản xuất trứng lớn nhất thế giới đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp ở Đông Nam Á để chuyển giao công nghệ sản xuất trứng nhằm bình ổn giá trứng và hỗ trợ ngành công nghiệp thực phẩm. Ông Nanao SATO, Tổng giám đốc ISE Foods, INC, cho hay: Các trang trại lớn của công ty ở Trung Quốc và Mỹ có tổng đàn lên tới 12 triệu con gà đẻ 20 triệu quả trứng/ngày, doanh thu đạt hơn 957 triệu USD. Tháng 10 - 2017, công ty đã đi khảo sát thực địa và nhận thấy khu vực ở xã Nhị Hà có điều kiện khí hậu thích hợp cho nuôi gà ứng dụng công nghệ cao kết hợp sản xuất năng lượng mặt trời, mong muốn được tỉnh tạo điều kiện để công ty sớm đầu tư xây dựng trang trại.

Khu vực Điện gió Đầm Nại sẽ được quy hoạch thành vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Không phải hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài mới đến tỉnh ta tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực được cho là khá mới mẽ, hồi tháng 4 năm ngoái, nhận thấy tỉnh ta có tiềm năng về năng lượng tái tạo, Công ty TNHH Sinenergy Holdings (thuộc Tập đoàn SHS Holdings Singapore) cũng đã ký bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, triển khai Dự án điện mặt trời công suất 300MW kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Hữu (Ninh Phước) với diện tích 832 ha, các mặt hàng nông sản như rau sạch, cà chua, táo, tỏi… được xuất khẩu sang thị trường Singapore và thế giới hứa hẹn giải quyết việc làm, đưa lại nguồn thu lớn cho nông dân trong khu vực.

Quyết tâm của các tập đoàn lớn sớm được triển khai xây dựng các dự án là có cơ sở, bởi qua thực tế một số mô hình ứng dụng công nghệ điện mặt trời vào suất nông nghiệp thời gian qua có hiệu quả, tiết kiệm được chi phí đầu vào, đảm bảo duy trì sản xuất các mặt hàng đặc thù ở vùng nắng hạn. Năm 2013, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai thí điểm mô hình tưới phun mưa sử dụng năng lượng mặt trời cho nông dân ở xã An Hải (Ninh Phước) đã góp phần thúc đẩy vùng trồng rau an toàn trọng điểm của tỉnh phát triển lên tầm cao mới. Không dừng lại đó, năm 2016, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang đưa vào sử dụng bơm tưới mía bằng năng lượng mặt trời tại huyện Ninh Sơn đến nay đã được nhân rộng ra một số hộ.

Tiềm năng năng lượng tái tạo đang dần được “đánh thức” nhờ tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Thu hút đầu tư chuyển biến tích cực, qua đó có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời được khởi công xây dựng. Trong đó, đáng kể là công trình Điện gió Đầm Nại đã hoàn thành giai đoạn đầu với 3 tua - bin phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Nhằm khai thác triệt để tài nguyên đất ở vùng điện gió, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại vùng tứ giác xã Bắc Phong (Thuận Bắc), xã Tân Hải, Phương Hải (Ninh Hải). Với hoạch định chiến lược phát triển đúng đắn, tin rằng trong tương lai gần tỉnh ta sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và việc ứng dụng điện mặt trời vào phục vụ sản xuất, sinh hoạt sẽ được phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh.