Ngày Lễ Tình yêu (14-2):

Chuyện tình yêu của lính

Đối với lính đảo, “người đất liền” là hậu phương, là điểm tựa tinh thần vững chãi.

Lính Trường Sa rắn rỏi, chắc tay súng, hiên ngang trước mọi thử thách, hiểm nguy nhưng trong tình yêu, họ chân thành và lãng mạn. Đối với lính đảo, “người đất liền” là hậu phương, là điểm tựa tinh thần vững chãi. Và đâu đó nơi xa, những “nửa yêu thương” của lính đảo Trường Sa đang hướng về các anh trong Ngày Lễ Tình yêu…

Vợ và con gái Đại úy Nguyễn Tiến Tảo đón anh tại cầu cảng Cam Ranh.
Cành hoa ốc do chính tay anh làm tặng vợ ngày gặp lại.

Câu chuyện thứ nhất…

Ở bộ phận Trợ lý của Đảo Song Tử Tây hôm đoàn công tác vùng IV Hải quân đến thăm và chúc Tết (31-12-2010), Trung úy Vũ Văn Ước (sinh năm 1981, Trợ lý Kỹ thuật của đảo) là người hạnh phúc hơn hết. Nhận thư vợ gửi từ Yên Định – Thanh Hóa, anh xúc động: “Mình không ngờ là lại nhận được thư nhà. Từ khi đảo phủ sóng điện thoại, trừ những ngày huấn luyện đặc biệt, không ngày nào mình không gọi điện về hỏi thăm, động viên bà xã. Bây giờ nhận được thư, cảm xúc như lúc mới yêu vậy”. Năm 2009, anh Ước đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn. Lần đó, hơn một tuần sau ngày cưới, anh đã phải xa người vợ trẻ. Trong năm, chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” đến với bộ đội đảo, cặp đôi chiến sĩ Vũ Văn Ước và vợ Lê Thị Lan nhận ra nhau, chan hòa trong những giọt nước mắt hạnh phúc. Trong giây phút đó, anh không kịp nghĩ gì, chỉ thầm cảm ơn đơn vị đã tạo điều kiện. Còn lúc này đây, khi cầm trên tay lá thư của chị Lan và ảnh con trai mới mấy tháng tuổi chỉ ướm lời qua tiếng bập bẹ trẻ thơ, một lần nữa, anh Ước thấy mình là người hạnh phúc nhất.

Câu chuyện thứ hai…

Mới nghe câu hỏi “Em có bạn gái chưa?”, tân binh Nguyễn Thạch Thể (sinh năm 1990, quê ở Chí Linh – Hải Dương) đã đỏ mặt rồi. Phải một hồi lâu, tôi mới có thể nghe được tâm sự của anh lính trẻ. Thạch Thể kể: “Bạn gái em đang là sinh viên trường Cao đẳng mẫu giáo TW 1. Khi biết em nhận nhiệm vụ ở đảo, cô ấy chỉ im lặng. Hôm tiễn em ở quê, cô ấy tặng em một cây bút bi mực tím. Em hiểu và có thêm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ”.

Người ta hay nói về khoảng cách trong tình yêu. Nó là một sự ngăn trở. Nhưng trên gương mặt rạng rỡ nụ cười, người lính trò chuyện cùng tôi như mách nhỏ: Mặc dù đất liền – hải đảo, nhưng nếu có niềm tin thì nhất định vượt qua khoảng cách mấy trăm hải lý…Sau giờ huấn luyện, mấy anh lính lần đầu tiên đặt chân lên đảo, lại cặm cụi đi nhặt vỏ ốc, tranh thủ thời gian, hí hoáy tỉa gọt những cành hoa ốc, làm quà cho người thương.

Câu chuyện thứ ba…

“Tôi mong em hiểu về Trường Sa nhiều hơn”. Đó là tâm tình của Trợ lý công binh đảo Sinh Tồn, Trung úy Trương Công Thịnh (SN 1983). Chàng sĩ quan trẻ quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình là người khá tình cảm. Anh đã chủ động nhờ nhà báo Lưu Công Luật (Báo Hải Quân) gửi tặng người yêu của anh, chị Nguyễn Thị Vân Anh đang công tác ở Hà Nội, những kỳ báo Hải quân. “Là người yêu của lính, trước hết phải hiểu được nỗi khó khăn, thiếu thốn của bộ đội Trường Sa. Tôi muốn, trên mỗi cương vị khác nhau, họ sẽ luôn nhớ về Trường Sa, nghĩ về Trường Sa và thêm yêu bộ đội Trường Sa. Và không gì gần gũi, cụ thể bằng tờ báo viết về người lính Hải quân” – Trung úy Thịnh đã bày tỏ với tôi và anh Công Luật như thế. Trong chuyện tình của họ, hai chữ Trường Sa chính là cầu nối tình yêu. Vân Anh nhận lời yêu Thịnh khi cô nghe anh nói sắp ra đảo nhận công tác. Từ chuyện kể của Thịnh, tôi biết, Vân Anh có tình cảm đặc biệt với lính đảo. Mong rằng những trang báo Hải quân kia sẽ nối bờ hạnh phúc cho đôi bạn trẻ.

…Có những chuyện tình của bộ đội Trường Sa chưa được kể. Và còn nhiều, rất nhiều những tâm tư, tình cảm của các anh mà tôi chưa có dịp nghe. Ngày Lễ Tình yêu năm nay, lính Trường Sa không có những bông hồng đỏ thắm hay những viên socola ngọt ngào gửi tặng người yêu, nhưng từ nơi đảo xa, các anh vẫn giữ vẹn tình cho ngày gặp lại…