Ninh Phước: Phát huy vai trò hợp tác xã tham gia xây dựng nông thôn mới

(NTO) Ninh Phước là địa phương có nhiều HTX và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Các HTX phát huy tốt vai trò kinh tế tập thể góp phần quan trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn. Các HTX và tổ hợp tác đã tích cực góp phần xây dựng huyện Ninh Phước phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019.

HTX hoạt động hiệu quả

Ngày 23-11-2016, Huyện ủy Ninh Phước ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU lãnh đạo tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020. UBND huyện ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Huyện ủy. Các phòng, ban chuyên môn và các xã, thị trấn triển khai đưa nghị quyết của Huyện ủy vào cuộc sống đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả vai trò kinh tế tập thể (KTTT) tham gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn huyện có 25 đơn vị KTTT, với 8.167 thành viên thuộc các ngành, các lĩnh vực hoạt động theo Luật HTX. Trong đó, có 21 HTX nông nghiệp, 1 HTX kinh doanh tổng hợp, 3 HTX phi nông nghiệp. Các HTX liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tạo thuận lợi cho các hộ thành viên sản xuất hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. HTX Mông Nhuận, Hữu Đức, Như Bình, Phú Quý, Phước An, Phước Hậu...là những HTX tiêu biểu thực hiện hiệu quả vai trò KTTT trong cơ chế kinh tế thị trường. Các HTX đảm nhận các khâu làm đất, thủy lợi nội đồng, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư, thu hoạch, liên kết doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Qua đó đã tạo niềm tin cho các nông hộ liên kết sản xuất, kinh doanh với các HTX trên địa bàn huyện. UBND các xã, thị trấn cũng đã thành lập có 68 tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích, với 1.489 thành viên đoàn kết hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, trồng trọt, thu gom rác thải, thủy lợi.

Nông dân HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú trồng măng tây xanh giống
Atticus theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: S.N

Đến với các cánh đồng lớn huyện Ninh Phước do các HTX tổ chức sản xuất, chúng tôi gặp nông dân phấn khởi vào mùa thu hoạch lúa vụ đông-xuân 2017- 2018. Ngừng tay chất lúa lên xe chở về sân phơi, ông Thạch Ngọc Nghiệp ở thôn Hiếu Lễ (xã Phước Hậu) cho biết: Gia đình tôi có 4 sào ruộng lúa tham gia mô hình cánh đồng lớn thực hiện biện pháp canh tác “1 phải, 5 giảm”, thu hoạch 9 tạ/sào, đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Đây là vụ thứ 4, tôi tham gia cánh đồng lớn làm ăn được mùa, giá bán ổn định nên gia đình rất phấn khởi. Chúng tôi tìm gặp Kỹ sư Quảng Đại Hoàng, Chủ tịch HĐQT HTX Kinh doanh-Dịch vụ Nông nghiệp Phước Hậu, anh chia sẻ niềm vui: Mô hình cánh đồng lớn phát huy tốt hiệu quả sản xuất được nông dân tham gia ngày càng đông. Nếu như vụ hè-thu 2017, HTX vận động 103 hộ tham gia với diện tích 56 ha, đến vụ mùa 2017, HTX thu hút 247 hộ tham gia với diện tích 100 ha. Vụ đông-xuân, HTX tổ chức mở rộng diện tích cánh đồng lớn 210 ha, với 447 hộ tham gia, năng suất ước đạt bình quân 75 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, HTX liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố sản xuất lúa giống TH 41 diện tích 56 ha, Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát sản xuất lúa giống ML 48 diện tích 30 ha, số còn lại 124 ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được Nhà máy Xay xát Hưng Hào thu mua sản phẩm. Nông dân tham gia cánh đồng lớn được hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác đồng nhất nên năng suất cao hơn 5 tạ/ha, chi phí đầu tư giảm 4,8 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm 9,8 triệu đồng/ha so với ruộng sản xuất đại trà.

Từ việc HTX Kinh doanh-Dịch vụ Nông nghiệp Phước Hậu tổ chức sản xuất hiệu quả mô hình cánh đồng lớn tăng năng suất, tăng sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân từ vụ hè-thu 2017 đến vụ đông-xuân 2017-2018, toàn huyện Ninh Phước mở rộng diện tích cánh đồng lớn lên 764 ha, chiếm 53% kế hoạch thực hiện mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 664 ha lúa tập trung ở các xã, thị trấn: Phước Hậu 300 ha, Phước Thuận 164 ha, Phước Thái 100 ha, Phước Dân 100 ha; 80 ha bắp tại xã Phước Vinh; 20 ha cây măng tây xanh tại xã An Hải. Chính quyền các xã, thị trấn giao cho Hội đồng quản trị các HTX đảm nhận tổ chức sản xuất, liên kết thu mua sản phẩm cho nông dân tham gia cánh đồng lớn.

Đi đầu ứng dụng công nghệ cao

Đến với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh) chúng tôi gặp Giám đốc Lê Phúc Hoa liên tục trả lời các nông hộ đến hỏi lịch thu hoạch bắp nhân giống. Anh Hoa cho biết: Vụ đông-xuân năm nay, HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 300 ha bắp nhân giống thu hút 833 hộ thành viên tham gia. Trong đó, Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam canh tác 250 ha bắp nhân giống 8506S năng suất đạt bình quân 9 tấn/ha, tăng hơn 2 tấn so với năm trước, giá bao tiêu 8.700 đồng/kg. HTX Phước An cũng đã liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam sản xuất 50 ha bắp nhân giống LVN 14, bao tiêu sản phẩm với giá 8.500 đồng/kg. Nông dân trồng bắp nhân giống có lãi ròng trên 35 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với trồng bắp thương phẩm. HTX được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho vay tín dụng 1 tỷ đồng mua vật tư ứng trước cho các hộ thành viên đầu tư sản xuất bắp nhân giống, thu hồi vốn vào cuối vụ thu hoạch. Sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Đến với HTX Dịch vụ Tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải), chúng tôi gặp các hộ thành viên phấn khởi thu hoạch măng tây xanh chở đến điểm thu mua Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận. Anh Hùng Ky Giám đốc HTX cho biết: Đơn vị có 50 hộ thành viên canh tác 40 ha măng tây xanh Atticus F1 (Hà Lan) theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Bà con ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước thích ứng với điều kiện khô hạn ở địa phương. Một số nông hộ chủ động đầu tư lắp đặt thiết bị tưới tự động hóa điều khiển thông qua sóng điện thoại di động. HTX liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu mua măng tây xanh cho nông dân với giá 50 ngàn đồng/kg. Cây măng tây xanh cho lợi nhuận trung bình trên 500 triệu đồng/ha/năm. HTX tiến hành san ủi bờ vùng mở rộng cánh đồng lớn quy mô 20 ha theo mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch thu hút du khách tham quan măng tây xanh.

Trao đổi về định hướng phát triển HTX, đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Các HTX đã tạo việc làm cho trên 8.000 hộ thành viên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. HTX huy động các nguồn vốn ứng trước vật tư nông nghiệp giúp các hộ nghèo có điều kiện sản xuất; thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất cánh đồng lớn đạt hiệu quả cao. Để tạo điều kiện cho KTTT phát triển bền vững trong cơ chế thị trường, các HTX cần được hỗ trợ vay vốn tín dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính Phủ và tỉnh ta sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với các HTX nông nghiệp theo Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại HTX theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Đồng thời thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị KTTT, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.