Thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ kiểm sát góp phần nâng cao chỉ số Thiết chế pháp lý của tỉnh

(NTO) Trong những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), coi đây là một trong những khâu đột phá và cũng là nhiệm vụ chiến lược, là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh và mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh qua từng năm. Trong bảng xếp hạng PCI 2017, tỉnh ta đứng 38/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2016, có 9/10 chỉ số tăng điểm, trong đó có chỉ số thiết chế pháp lý.

Để nâng cao chỉ số Thiết chế pháp lý, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh nhà, trong năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Ninh Thuận đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm công tác kiểm sát như sau:

Một là,  bám sát Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20-12-2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018; chương trình số 15-CTr/BCĐ ngày 13-3-2018 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2018, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp của ngành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trên tất cả các lĩnh vực, bám sát, phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng, cấp ủy chi, đảng bộ, lãnh đạo Viện kiểm sát 2 cấp, lãnh đạo các đơn vị đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức.

Với vai trò là thành viên trong Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhằm giúp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu biết và thực hiện tốt pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật. Thông tin tuyên truyền để khuyến khích doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp, thể hiện tính công bằng, nghiêm minh trong quá trình xét xử.

Ba là, tập trung phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra; thực hiện tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ kiểm sát theo nghị quyết của Quốc hội và quy định của ngành. Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra hình sự, gắn công tố với hoạt động điều tra; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, áp dụng mọi biện pháp theo luật định để chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và không làm oan người vô tội.

Phối hợp với Tòa án nhân dân xử lý các vụ kiện kinh tế nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo công bằng, nghiêm minh trong quá trình xét xử. Tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế, vụ việc tranh chấp thương mại và có biện pháp tổ chức thi hành các vụ án đã được xét xử, tạo thuận lợi cho các bên chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đảm bảo bản án được thực thi theo đúng pháp luật.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là một trong những nhiệm vụ đột phá trọng tâm; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp, áp dụng mọi biện pháp, vận dụng sáng tạo các phương pháp kiểm sát, thực hiện đầy đủ các quyền hạn theo luật định để phát hiện kịp thời, đầy đủ, chính xác các vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc; trên cơ sở đó ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ không để nhũng nhiễu, gây phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, làm tốt công tác tổ chức cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo tính ổn định và lâu dài, phù hợp với năng lực, nhu cầu công việc; xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên giỏi về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, vững vàng về phẩm chất chính trị; công tác cán bộ phải kết hợp với công tác xây dựng đảng, xây dựng ngành về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.