Triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán

(NTO) Các địa phương chủ động đề ra giải pháp ứng phó với hạn hán trên tinh thần khẩn trương, kịp thời, không để dân khát, dân đói trong mùa hạn. Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại các đợt kiểm tra tình hình hạn hán trên địa bàn các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải vừa qua.

Chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xuất phát từ thực trạng hạn hán cục bộ xảy ra ở một số nơi ở tỉnh ta đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của nhân dân. Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện tình hình nắng nóng đang diễn ra ngày càng gay gắt, nước ở các hồ, đập, sông, suối xuống nhanh. Tính đến đầu tháng 5, lượng nước trữ tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn khoảng 110 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 40 triệu m3. Đáng quan ngại, một số hồ đã cạn nước khiến cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân quanh khu vực bị đình trệ. Cụ thể, hồ Phước Nhơn, xã Phước Trung (Bác Ái) hiện còn 0,06 triệu m3, chiến 8% dung tích thiết kế. Với lượng nước trên không đủ tưới cho 4,5 ha trà lúa muộn vụ đông- xuân, nếu không sớm đề ra giải pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra là khó tránh khỏi. Tình hình sản xuất ở khu vực hưởng lợi từ hồ Tà Ranh, xã Phước Thái (Ninh Phước), hồ Bà Râu, xã Phước Kháng (Thuận Bắc) cũng đang gặp khó khăn khi lượng nước dự báo không đủ tưới cho 20 ha lúa cho đến khi kết thúc vụ đông - xuân.

Trước tình hình hạn hán, huyện Thuận Bắc chỉ đạo ngưng sản xuất lúa trong vụ hè - thu
ở khu vực hưởng lợi từ hồ Bà Râu để dành nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, sau đợt kiểm tra, ngành chức năng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, tháo gỡ những khó khăn bước đầu. Từ giữa tháng 3, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đề ra giải pháp cho từng hệ thống công trình thủy lợi. Tại hồ Phước Nhơn, công ty đặt máy bơm khai thác nước ngầm ở ao chống hạn số 2 để điều tiết cho 19,43 ha cây trồng vụ đông- xuân. Khơi thông dòng chảy từ ao chứa nước trong lòng hồ; đồng thời, nạo vét bùn bồi lấp trước cống lấy nước. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với địa phương vận động nhân dân sử dụng nước dự trữ ở các ao chứa của các hộ làm vườn tham gia công tác chống hạn. Tại hồ Tà Ranh, do hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 chưa được đầu tư xây dựng, nên tận dụng triệt để cách tưới luân phiên trên kênh chính từ ruộng cao xuống ruộng thấp; điều tiết nước bổ sung từ kênh Nam, hệ thống đập Nha Trinh qua Trạm bơm Đá Trắng 1, Đá Trắng 2. Đối với khu vực đập Bến Nưng, xã Phước Kháng (Thuận Bắc) để đảm bảo an toàn cho 12 ha lúa, công ty triển khai giải pháp đặt máy bơm hút nước từ hồ Bà Râu lên kênh N1 để chống hạn cho lúa. Riêng để tạo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân xã Phước Kháng, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đã xây dựng phương án bơm nước từ Hệ thống cấp nước Lợi Hải tiếp nguồn cho Hệ thống cấp nước xã Phước Kháng.

Với sự tập trung cao độ của ngành chức năng, các địa phương trong thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hạn theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đến nay những khó khăn về nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông - xuân, nước sinh hoạt cho nhân dân ở vùng hạn cơ bản đã khắc phục được. Cây trồng ở các vùng hạn phát triển bình thường, độ khoảng giữa tháng 5 là thu hoạch xong, sau đó ngưng sản xuất vụ hè - thu để dành nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Hiện tại, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát thực địa để điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ hè - thu thích ứng với điều kiện hạn hán; đồng thời, vận động nhân dân sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở vụ đông - xuân dự trữ thức ăn cho gia súc. Những giải pháp cấp bách, trước mắt ứng phó với hạn hán là vậy, về lâu dài, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý ngành chức năng, các địa phương chú trọng thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-TU/NQ ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Trên tinh thần đó, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây chịu hạn. Các khu vực hưởng lợi 6/21 hồ chứa nước (Phước Trung, Phước Nhơn, Bàu Zôn, Tà Ranh, Bàu Ngứ, Suối Lớn) dừng sản xuất vụ hè - thu để dành nước phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Toàn bộ 653 ha đất lúa sử dụng nước ở các trạm bơm chuyển qua trồng màu để tiết kiệm nước, vừa tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.