Thuận Bắc: Sử dụng hợp lý nguồn nước trong mùa hạn

(NTO) Sau thời gian nắng nóng kéo dài, huyện Thuận Bắc đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn, nhất là tại xã miền núi Phước Kháng, trong đó tâm điểm là thôn Suối Le, nơi sinh sống của 99 hộ/374 nhân khẩu đồng bào dân tộc Raglai. Không chỉ là vấn đề nước sinh hoạt cho người dân Suối Le, khả năng xã Phước Kháng sẽ còn khan hiếm cả nước uống cho đàn gia súc.

Từ chuyện nước cho người và gia súc

Theo anh Võ Quang Chung, Phó Trưởng trạm Thủy nông Thuận Bắc, hiện nay dung tích nước hồ Sông Trâu (xã Phước Chiến), chỉ còn 15,3 triệu m3/31,53 triệu m3 và hồ Bà Râu (xã Lợi Hải) còn 1,26 triệu m3/4,67 triệu m3. Dự kiến sau khi kết thúc sản xuất vụ đông-xuân 2017-2018, hồ Sông Trâu xuống còn 13 triệu m3, hồ Bà Râu xuống còn 1 triệu m3.. Ở xã Phước Chiến các hồ nhỏ như hồ Ba Chi vẫn tích nước 0,24 triệu m3/0,48 triệu m3, Ma Trai 0,37 triệu m3/0,482 triệu m3, nhưng các đập thời vụ trên địa bàn huyện sẽ không còn dòng chảy. Trước tình hình trên, UBND huyện Thuận Bắc chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt cho nhân dân và gia súc, sau đó mới tính đến nước phục vụ cho sản xuất. Đồng chí Ka-tơ Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kháng lo lắng: Dù Suối Le có 35 giếng đào trong dân nhưng lượng nước không nhiều, có 3 giếng khoan chiều sâu hơn 70 m nhưng chỉ còn hoạt động 2 giếng vì vậy cả thôn sẽ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt khi nắng nóng, mùa khô kéo dài.

Đường ống nước từ hồ Bà Râu lên bơm tưới cho vùng trồng lúa 12 ha
thuộc cánh đồng Dầu, xã Phước Kháng trong vụ đông - xuân.

Đối với thôn Suối Le, UBND huyện đã chỉ đạo xã Phước Kháng, Ban quản lý thôn tuyên truyền cho các hộ dân sử dụng nước tiết kiệm và đến các nhà lân cận, thân quen có giếng nước để lấy về dùng chung. Ngoài ra huyện cũng đã khắc phục, sửa chữa 2 giếng khoan sâu để bơm nước vào bể chứa và thông báo cho nhân dân đến lấy về sử dụng. Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Giải pháp ứng phó trong thời gian đến ở Suối Le vẫn tiếp tục vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và lấy nguồn nước tại các giếng trong dân và tại 2 vị trí lấy nước tập trung. Trường hợp nắng hạn kéo dài dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, huyện sẽ có phương án chở nước nơi khác đến để cung cấp cho người dân, chủ yếu chở từ xã Phước Trung (Bác Ái) lên. Về nước uống cho gia súc, tuy toàn huyện có tổng đàn gia súc có sừng trên 35.000 con (987 con trâu, 19.843 con bò, 7.696 con dê và 6.533 con cừu), nhưng hiện tượng thiếu nước phục vụ cho chăn nuôi chỉ xuất hiện rõ ở xã Phước Kháng. Huyện đã triển khai đào 3 ao tại thôn Suối Le và chỉ đạo nạo vét đập Bến Nưng để có nước cho đàn gia súc uống.

Đến chuyện nước phục vụ sản xuất

Trên cơ sở ưu tiên nước sinh hoạt cho nhân dân và nước uống cho gia súc, căn cứ lượng nước tích trữ tại các hồ đập hiện nay, trong vụ hè-thu, Thuận Bắc chỉ tập trung sản xuất ở những khu vực đảm bảo nước tưới; chú ý chuyển đổi cây trồng cạn sử dụng ít nước có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể là chuyển đổi 305 ha ở các vùng thuộc ảnh hưởng các trạm bơm Lợi Hải, Xóm Bằng, Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong), hồ Bà Râu, các vùng cuối kênh sông Trâu và hồ Ba Chi, trong đó tập trung thực hiện 32 ha (trồng các cây măng tây xanh, bưởi da xanh, mãng cầu) và 273 ha trồng cây màu các loại (đậu, bắp. cỏ, dưa,…). Theo dự kiến, diện tích phải ngừng sản xuất khoảng 636 ha, trong đó khu tưới hồ Bà Râu có 500 ha, Trạm bơm Động Thông (xã Phước Chiến) có 10 ha, các đập thời vụ ở xã Phước Kháng như Bến Nưng có 20 ha, Suối Bay có 40 ha và các đập thời vụ ở xã Bắc Sơn như Tà Lốc có 36 ha, Ma Ó có 30 ha.

Tại khu vực hưởng lợi từ hồ Bà Râu, trừ diện tích phải ngừng sản xuất nói trên, chỉ sản xuất 120 ha cây màu như: dưa, đậu xanh, bắp, cỏ. Đến xã Phước Kháng, chúng tôi tận mắt nhìn thấy nhiều nương rẫy trên triền núi đã ngừng canh tác. Ông Ka-tơ Chiến, ở thôn Cầu Đá, than thở: Tôi trồng 1,2 sào lúa nhưng do thiếu nước tưới nên chỉ thu hoạch được 70 kg, bây giờ thì đất khô nứt hết rồi. Diện tích phải ngừng sản xuất cũng thấy rõ ở xã Bắc Sơn, khu vực tưới Trạm bơm Xóm Bằng hiện đang sản xuất 65,3 ha (47 ha lúa, 18,3 ha màu), còn lại 148 ha đang vận động nhân dân khai hoang đưa vào trồng một số cây ăn quả, cây màu sử dụng ít nước.

Như vậy có thể thấy để chủ động ứng phó với tình hình khô hạn, huyện Thuận Bắc đã sử dụng nước hợp lý, trong đó chủ yếu ưu tiên dành nước cho sinh hoạt của dân và nước uống cho gia súc. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương thông báo cho các hộ dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ đông -xuân để dự trữ và chế biến làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn. Trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, Thuận Bắc kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án kéo dài hệ thống cấp nước sinh hoạt từ Phước Trung về cung cấp cho thôn Suối Le trong thời gian sớm nhất.