Những ý kiến tâm huyết xây dựng quê hương

Đồng chí NGUYỄN TRUNG HẬU, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy:

Chiều ngày 29-3, Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm tổ chức lễ trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng trước thời hạn cho ông Nguyễn Trung Hậu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy ngay tại nhà riêng thuộc phường Kinh Dinh. Sau buổi lễ, dù sức khỏe đang giảm sút nhưng ông vẫn chậm rãi trò chuyện với khách. Khi nhắc đến những sự kiện thời kỳ đầu mới tái lập tỉnh, chúng tôi nhận thấy ông cười vui và gật đầu như ngụ ý vẫn còn nhớ rõ.

Tuy lời nói không được liên tục và cũng không còn mạch lạc như trước, nhưng qua những câu chuyện của ông và phỏng theo ghi nhận từ cuộc trò chuyện vào tháng tư năm ngoái, chúng tôi hình dung bối cảnh ngày đầu tái lập tỉnh. Cách đây 26 năm, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Trung Hậu và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc ấy tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo hệ thống chính trị tỉnh hoạt động ổn định. Do tỉnh nhà mới tái lập, bộ máy tổ chức chưa hoàn chỉnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, nên có cảm giác mọi việc còn rất bề bộn. Nhưng với quyết tâm mới, các cơ quan sở, ban, ngành và địa phương đã vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ được giao ngay trong năm đầu hoạt động của tỉnh mới. Ông nói: Cũng trong những năm ấy, tôi vẫn còn nhớ nhờ tích cực đề xuất, tỉnh ta được Chính phủ đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng như hồ Tân Giang, đường điện quốc gia về các xã miền núi…

Ngoài cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Trung Hậu còn là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa VIII (1987-1992), khóa IX (1992-1997). Những người hoạt động cùng thời cho biết trong khóa VIII, chính ông với tư cách Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh đã cùng đoàn tích cực vận động nhiều bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH đơn vị các tỉnh, thành…ủng hộ việc chia tách tỉnh Thuận Hải, tái lập tỉnh Ninh Thuận. Đây là dấu ấn đậm nhất mà ông để lại trong vai trò ĐBQH, từ đây Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận được thành lập. Ở khóa IX, trùng thời gian 5 năm đầu tỉnh tái lập, với trọng trách trưởng đoàn và tổ trưởng tổ Đảng, ông Nguyễn Trung Hậu đã cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề của tỉnh nhà lên QH, được Chính phủ ghi nhận giải quyết đầu tư.

Qua trò chuyện với ông, có thể hiểu rằng ông rất vui trước thành tựu 26 năm xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, ông tin tưởng thế hệ lãnh đạo mới sẽ tận dụng điều kiện thuận lợi và tranh thủ cơ hội để tiếp tục đưa tỉnh nhà phát triển. Ông mong rằng với chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước sẽ thu hút thêm nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh ta. Bên cạnh phát triển kinh tế, ông đề nghị tỉnh cần chú trọng công tác xây dựng Đảng mà trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh chỉ có làm tốt công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ mới huy động được sức mạnh của toàn dân trong tỉnh, hoàn thành lãnh đạo thực hiện các mục tiêu ,nhiệm vụ đề ra, hướng tới xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

Được chúng tôi gợi ý nhận xét về chặng đường phát triển của tỉnh nhà, ông chia sẻ: Thực tế cho thấy dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, kinh tế-xã hội đang phát triển nhanh chóng, bộ mặt tỉnh nhà ngày càng đổi mới, khác xa thời kỳ những năm đầu khi tỉnh tái lập. Dù sức khỏe kém, không đi xa được nhưng thông qua các kênh thông tin, tôi biết từ thành thị đến nông thôn tỉnh ta đều có nhiều công trình hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh phục vụ đời sống và sản xuất. Ngày nay, tuy đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng nhìn lại quá trình 26 năm, tôi sung sướng và tự hào khi thấy Đảng bộ tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh.

Ông Huỳnh Hữu Lộng, Nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Tỉnh đội Ninh Thuận, cán bộ hưu trí phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm):

Đã 26 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ bối cảnh tỉnh nhà vào tháng 4-1992. Hồi đó, tỉnh ta còn nghèo, các thiết chế phục vụ đời sống còn thiếu nhiều... 26 năm sau Ngày tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, quê hương Ninh Thuận đang “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; hàng loạt công trình hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển theo hướng toàn diện, bền vững. Để tỉnh nhà tiếp tục phát triển, tôi mong thời gian tới, đảng bộ, chính quyền các cấp tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng; quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và kinh tế biển; phấn đấu xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị loại I n


Bà Lê Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mỹ Hương (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):

Thời điểm tái lập tỉnh (4-1992), cơ sở vật chất tỉnh ta còn nghèo nàn, lạc hậu; nguồn nhân lực vừa yếu, vừa thiếu; hạ tầng các công trình điện, đường, trường, trạm thiếu thốn, việc giao thương hàng hóa giữa các huyện còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân địa phương, đến nay, diện mạo tỉnh ta từ thành thị đến nông thôn ngày càng khởi sắc, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên. Việc xây dựng nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên huyện, đặc biệt là tuyến đường ven biển, cầu An Đông… đã tạo điều kiện huận lợi trong việc giao thương hàng hóa, phát triển du lịch. Mạng lưới y tế, giáo dục được đầu tư phát triển rộng khắp, tạo điều kiện thuận lơi cho nhân dân trong việc chăm sóc sức khỏe, học tập nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực; các công trình hạ tầng như hồ: Sông Trâu, Sông Sắt, Tân Giang… tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển… Trong niềm vui kỷ niệm 26 năm ngày tái lập tỉnh, tôi mong trong chặng đường phát triển tới, tỉnh sẽ có những chính sách thiết thực thu hút dự án đầu tư nước ngoài, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cấp tuyến Quốc lộ 27; tiếp tục chăm lo đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho chi hội trưởng các hội, đoàn thể ở các thôn, khu phố.