Gặp gỡ những thầy thuốc ưu tú

(NTO) Dù mỗi người công tác ở những đơn vị khác nhau trong ngành Y tế tỉnh nhà nhưng tất cả họ đều có chung một điểm là sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Đó là niềm khích lệ to lớn để mỗi người tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự nghiệp y tế.

Thầy thuốc ưu tú Lê Huy Thạch: Nhiệt huyết, tận tâm với nghề:
Trưởng thành từ phong trào Đoàn Thanh niên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với nhiều nhiệt huyết, tận tâm với nghề Y, Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Huy Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển bệnh viện và ngành Y tế tỉnh nhà.

Nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác quản lý bệnh viện và khoa phòng, Bác sỹ Thạch đã tham gia tổ chức, phát triển các chương trình chuyên môn bệnh viện; thường xuyên theo dõi sát tình hình bệnh tật để có phác đồ điều trị phù hợp; xây dựng bệnh viện ngày càng tiến bộ trong công tác thực hiện quản lý chất lượng, không ngừng cải tiến phương pháp chăm sóc theo dõi bệnh và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Với sự nhiệt tình trong công tác và gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, Bác sỹ Thạch đã luôn nêu cao tính năng động sáng tạo, hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; luôn nêu cao tinh thần, phong cách làm việc khoa học, năng động, sáng tạo; có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đề án mang lại hiệu quả cao trong công tác chuyên môn và quản lý.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, Bác sỹ Thạch đã liên tục tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Từ năm 2005 - 2017, Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Huy Thạch đã thực hiện 21 đề tài nghiên cứu khoa học, hầu hết các đề tài được đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn công tác điều trị tại bệnh viện như: Mô hình bệnh tật, tử vong trẻ em dưới 6 tuổi; Tiên lượng trong nhiễm trùng huyết nặng và những yếu tố tiên lượng bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp; Nghiên cứu liệu pháp Insulin trong hồi sức; Chế tạo máy sấy dây máy thở, khử khuẩn tự động bằng đèn UV và nhiệt độ thấp; Nghiên cứu nhiễm khuẩn bệnh viện và các yếu tố nguy cơ liên quan tại Bệnh viện Ninh Thuận năm 2016-2017”… Kết quả các đề tài là cơ sở giúp bệnh viện hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chất lượng điều trị trong lĩnh vực nội khoa.

Với sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, từ năm 2006 đến nay Bác sỹ Thạch đã có 9 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhận được nhiều Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ công tác và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vinh dự hơn cả, năm 2017, Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Huy Thạch được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú.

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Tuyển: Phát huy giá trị y học cổ truyền

Vốn là một dược sỹ, từng công tác tại địa bàn miền núi, nhiều khó khăn tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk), nơi có nhiều đồng bào Ê đê sinh sống, Lương y Nguyễn Xuân Tuyển đã luôn ấp ủ suy nghĩ phải khắc phục khó khăn, tìm được những dược liệu quý để giúp người dân phòng tránh được bệnh tật. Chính vì vậy, ông đã không ngần ngại cùng đội phòng dịch đi khám bệnh, cấp thuốc cho đồng bào nghèo tại các buôn làng vùng cao Tây Nguyên tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Từ năm 1991, về công tác tại Hội Đông y tỉnh, trực tiếp phụ trách công tác sản xuất thuốc y học cổ truyền cho Trung tâm Châm cứu đông y, Lương y Nguyễn Xuân Tuyển đã cùng bác sĩ, lương y của Trung tâm nghiên cứu, xây dựng được 16 quy trình sản xuất thuốc đông y, được Sở Y tế cho phép sản xuất điều trị tại Trung tâm đối với các bệnh về cơ, xương khớp, thần kinh, một số bệnh của phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi đạt hiệu quả cao.

Năm 2012, trong vai trò là Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh, ông đã đẩy mạnh công tác phát triển y học cổ truyền và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong tỉnh. Không chỉ trực tiếp theo dõi các khoa phòng, chỉ đạo tuyến điều trị, ông còn làm chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, nổi bật với đề tài Nghiên cứu về cây Sa nhân, một dược liệu quý mọc ở tỉnh ta và đề tài Khảo sát, bảo tồn nghề thuốc truyền thống của người Chăm Ninh Thuận. Đề tài Nghiên cứu về cây Sa nhân là một loại dược liệu quý, từ đó, bảo tồn và phát triển đúng cách.

Với đề tài Khảo sát, bảo tồn nghề thuốc truyền thống của người Chăm Ninh Thuận, ông Tuyển cho biết: Qua nghiên cứu, chúng tôi đã thống kê được gần 700 bài thuốc gia truyền và trên 300 loại dược liệu thuốc nam có tại Ninh Thuận mà đồng bào Chăm đã sử dụng, có giá trị trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cần được bảo tồn, phát huy giá trị, đưa vào khám chữa bệnh.

Chính những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông đã góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại địa phương. Lương y Nguyễn Xuân Tuyển tự hào được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Đông y các cấp, của Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2017, ông được Công nhận là Thầy thuốc ưu tú, ghi nhận chặng đường dài hơn 26 năm cống hiến của mình với nghề Y.

Thầy thuốc Ưu tú Trần Thái Tuấn: Không ngừng nâng cao chất lượng điều trị bệnh:

Đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dễ dàng bắt gặp người Bác sỹ Trưởng khoa với nụ cười thân thiện, luôn sẵn sàng chăm sóc, điều trị cho người bệnh và tích cực hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Không chỉ tận tụy với công việc, hết lòng vì người bệnh, Thạc sỹ, Bác sỹ Thái Tuấn còn là một người luôn chịu khó nghiên cứu, học tập, chủ động đề xuất những biện pháp, kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị bệnh với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao như: Đặc điểm và tiên lượng tử vong của suy thận cấp, hay đề tài nghiên cứu tầm soát bệnh mạch vành trong cộng đồng; Đánh giá hiệu quả phương pháp lọc máu tại bệnh viện cho bệnh nhân suy thận”… đã góp phần tiên lượng bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng, tử vong và giảm chi phí trong quá trình điều trị bệnh.

Trong số những đề tài nghiên cứu, đáng ghi nhận là việc triển khai điều trị rắn độc cắn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với phương pháp điều trị mới, kịp thời, đến nay bệnh viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp bị rắn độc cắn nặng tại tỉnh ta. Từ hiệu quả của việc điều trị này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tập huấn các kỹ năng về cấp cứu, điều trị và chuyển viện các bệnh nhân bị rắn độc cắn cho cán bộ y tế vùng núi tỉnh ta, qua đó đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị bệnh nguy kịch do rắn cắn.

Năm 2011, Bác sỹ Thái Tuấn là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Tầm soát và tiên lượng tử vong hội chứng T3 thấp tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết quả của đề tài chứng minh hội chứng T3 thấp là một hội chứng thường gặp ở bệnh nhân bị bệnh nặng. Hội chứng này được đề xuất như một yếu tố tiên lượng ở những bệnh nhân nặng, đồng thời là một yếu tố dự đoán tử vong của các bệnh nhân. Đề tài này giúp các bác sỹ tiên lượng bệnh tốt hơn góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Năm 2015, với đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Đánh giá hiệu quả phương pháp lọc máu điều trị ngộ độc nặng tại Ninh Thuận” được hội đồng khoa học Bệnh viện Đa khoa tỉnh công nhận và đang được ứng dụng có hiệu quả. Phương pháp này đã đóng góp một phần đáng kể làm thay đổi tiên lượng của nhiều loại bệnh. Bởi trước đây tại tỉnh ta, các bệnh nhân ngộ độc nặng, đặc biệt ngộ độc Paraquate có tỉ lệ tử vong cao trên 90%. Việc sử dụng các màng lọc khác nhau với nhiều phương thức lọc máu liên tục đã loại trừ ra khỏi cơ thể nhiều loại độc tố, góp phần vào việc điều trị ngộ độc nặng thành công với tỷ lệ khá cao.

Với những đóng góp quý báu và tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, hết lòng điều trị chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ năm 2008 đến nay Bác sỹ, Thạc sỹ Thái Tuấn nhiều năm liền được công nhận Chiến sỹ thi đua cơ sở và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ công tác, điều trị cứu sống kịp thời bệnh nhân trong trình trạng nguy kịch. Mới đây, anh vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.