Ngành ngân hàng Hỗ trợ đắc lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển

(NTO) Từ ngày tái lập tỉnh (tháng 4-1992) đến nay, cùng với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ngành Ngân hàng đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng cơ bản nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế tỉnh nhà. Chỉ tính giai đoạn 2016-2020, ngành Ngân hàng phấn đấu đạt các chỉ tiêu tăng trưởng về huy động vốn tối thiểu 15%/năm, tăng trưởng tín dụng 20-25%/năm, bảo đảm cơ cấu tín dụng sát với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu đã nêu, một trong những giải pháp trọng tâm đó là ngành tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng của ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh gắn với thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp của ngành và của tỉnh; đồng thời, thực hiện tích cực, hiệu quả các chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn, khuyến khích phát triển tín dụng xanh. Mặt khác, chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, dịch vụ ngân hàng. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm ưu tiên của vùng và của tỉnh, các dự án thân thiện môi trường góp phần tích cực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển bền vững. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng đặc thù, chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, nhiều chỉ tiêu trong giai đoạn phát triển chung nêu trên đã được các TCTD cụ thể hóa từng năm để thực hiện với quyết tâm cao nhất nhằm tích cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Trong năm 2017 vừa qua, toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 18-20% đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế với cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất-kinh doanh, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kết quả, tính đến cuối năm 2017, huy động vốn tại chỗ đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 1.620 tỷ đồng (tăng 18,23%) so với năm trước, vượt 21,8% so với kế hoạch đề ra. Từ nguồn vốn huy động này đã giải quyết kịp thời nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho nhiều đối tượng với tổng dư nợ cho vay đạt trên 17.500 tỷ đồng, tăng 18,16% so với cuối năm 2016, đạt 100,9% kế hoạch năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 46,86%, tăng 15,38%; dư nợ trung, dài hạn chiếm 53,14%, tăng 20,73%. Điều rất đáng ghi nhận là đã có 87,8% số dư nợ nói trên tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng 14,9% so với cuối năm 2016. Trong đó, dư nợ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 25,26% tổng dư nợ cho vay, tăng 19,78%; công nghiệp-xây dựng chiếm 17,03%, tăng 34,23%; thương mại-dịch vụ chiếm 45,43%, tăng 13,35%; tiêu dùng chiếm 12,29%, tăng 8,19%... Có thể nói, dòng vốn của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã “tuôn chảy” ngày càng mạnh vào nền kinh tế của tỉnh, góp phần đắc lực trong việc nâng chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2017 đạt 9,5%; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,35% cơ cấu kinh tế, công nghiệp-xây dựng chiếm 21,25%, dịch vụ chiếm 40,4%.

Trong năm 2018, toàn ngành tiếp tục nỗ lực thực hiện huy động vốn tăng tối thiểu 15%, đầu tư tín dụng tăng 20-22% với lãi suất hợp lý, cao hơn so với kết quả thực hiện của năm 2017. Chỉ mới qua 3 tháng đầu năm 2018, các NHTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạo nên những chuyển biến mới từ huy động vốn đến đầu tư tín dụng vào nền kinh tế của tỉnh nói chung. Đồng chí Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phấn khởi: Ngay trong quý đầu của năm, các chỉ tiêu về huy động vốn và dư nợ tín dụng toàn ngành có bước tăng trưởng khá so với cuối năm 2017, nguồn vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và của tỉnh. Theo đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn tăng 25,91% so với cùng kỳ, đạt 14,5% kế hoạch năm 2018. Trong đó, đặc biệt đã từng bước “khơi thông” dòng tiền nhàn rỗi còn rất lớn trong dân đạt trên 8.150 tỷ đồng, chiếm 72,44% trong tổng nguồn huy động, tăng 18,24% so với cùng kỳ, tăng 6,82% (tăng 520 tỷ đồng) so với cuối năm 2017. Về đầu tư tín dụng, chỉ mới qua quý đầu của năm, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đã đạt 18.200 tỷ đồng, tăng 18,86% so với cùng kỳ và tăng 2,44% so với cuối năm 2017, đạt 12,2% kế hoạch năm. Trong đó, đầu tư cho nông nghiệp-thủy sản chiếm tỷ trọng 26,1% trong tổng dư nợ, tăng 18,72% so với cùng kỳ; công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 15,93%, tăng 15,17%; thương mại, dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng chiếm tỷ trọng 57,97% trong tổng dư nợ, tăng 19,98%. Điều cũng đáng ghi nhận nữa là các TCTD trong tỉnh đều thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất huy động và giảm dần lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng. Những kết quả đó đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý I-2018 đạt 11,5%; trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,4%; công nghiệp-xây dựng tăng 13,1%; dịch vụ tăng 11,1%.

Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục mở rộng đầu tư tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển và tạo động lực cho tăng trưởng, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung mở rộng mạng lưới để tăng trưởng mảng bán lẻ, cải tiến dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, góp phần kích thích sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ ngân hàng. Ngành sẽ phấn đấu thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Ngân hàng vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.