Giỗ tổ Hùng Vương Biểu hiện cao đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

“Hàng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.

(Nguyễn Khoa Điềm”)

Giỗ Tổ Vua Hùng, từ rất lâu đời đã trở thành một sự kiện trọng đại của dân tộc, in sâu vào đời sống tâm linh của mỗi người con đất Việt. “Cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ” là một cử chỉ thiêng liêng, cao đẹp, thành kính dâng lên Cha Rồng, Mẹ Tiên đã sáng tạo ra đất nước này, dẫn hồn ta trở về cội nguồn qua huyền thoại diệu kỳ.

“Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 (AL) hàng năm đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam, thể hiện rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” như một tinh thần văn hóa Việt Nam. Không chỉ để tưởng nhớ tổ tiên, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống '‘Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần về thăm Đền Hùng. Người căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước-Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tôn vinh tổ tiên, tôn vinh Quốc tổ Hùng Vương, nơi cội nguồn dân tộc. Lời căn dặn của Bác vừa thể hiện lòng biết ơn với các Vua Hùng “đã có công dựng nước”, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của lớp cháu con: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác như lời hiệu triệu ngắn gọn nhưng sâu sắc với ý nghĩa sâu xa, Bác muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải đoàn kết một lòng, phải luôn giữ trọn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và cần cống hiến hết mình để giữ gìn, và phát huy cơ nghiệp mà ông cha ta đã để lại. Lời căn dặn của Bác, những giá trị thiêng liêng của tổ tiên và những di sản văn hóa quý báu của dân tộc mãi là nền tảng, động lực để thế hệ người Việt tự hào tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, chúng ta luôn nhớ về cội nguồn dân tộc với lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc, lòng tự hào và niềm kiêu hãnh về tổ tiên, nòi giống của mình. Nhớ về cội nguồn để tri ân những bậc tổ tiên đất nước là hạnh phúc lớn lao của mọi người con nước Việt. Tìm về cội nguồn là thể hiện lòng thành kính, niềm tri ân sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tông, để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc

Tự hào với giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, mỗi người con đất Việt phải luôn có trách nhiệm giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, con cháu thời đại Hồ Chí Minh nguyện sống xứng đáng với công ơn dựng nước của các Vua Hùng, của Tổ tiên và các bậc tiền hiền; tiếp tục giữ gìn, vun bồi truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, từ đó ra sức kế thừa, đóng góp công sức, trí tuệ cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.