Vì sao Thượng viện Canada thông qua khuyến nghị chỉ trích Trung Quốc về Biển Đông?

(NTO) Thượng viện Canada ngày 24-4 thông qua bản khuyến nghị của các nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, một tuyến đường huyết mạnh của các hoạt động giao thương quốc tế. Đài RFA đã có cuộc trao đổi với Thượng nghị sỹ (TNS) Ngô Thanh Hải về vấn đề này.

Thượng nghị sỹ Ngô Thanh Hải cho rằng khuyến nghị này đã đưa ra từ năm 2016, cách đây 2 năm, nhưng chính phủ và Thượng viện bận rộn nên để cho đến ngày hôm nay. Ông nói: “Đây là một cảnh báo để các quốc gia trên thế giới thấy rõ âm mưu của Trung Quốc. Đó là điều Canada muốn nêu lên, rằng Biển Đông không phải là một vấn đề tầm thường. Đó là một vấn đề hàng hải rất quan trọng.

Thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ Canada Ngô Thanh Hải, người bảo trợ khuyến nghị này, nói rằng ông muốn đảng Tự do của ông Trudeau phải đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc giục tất cả các bên tranh chấp công nhận luật pháp quốc tế và chấm dứt mọi hoạt động làm leo thang tranh chấp.

Tuy nhiên, Chrystia Freeland-người phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Canada không bình luận trực tiếp về khuyến nghị của Thượng viện, nhưng nói rằng Canada lo ngại về căng thẳng trong khu vực liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông và kêu gọi các quốc gia trong khu vực kiềm chế, tránh các hành động dẫn đến leo thang căng thẳng.

Khuyến nghị này đã bị nhóm các Thượng nghị sĩ độc lập phản đối. Họ nói rằng khuyến nghị đã bị lỗi thời khi được giới thiệu cách đây 2 năm và đi ngược lại những lợi ích của Canada ở châu Á.

Bất chấp dư luận quốc tế, Trung Quốc đã gần như hoàn tất việc xây dựng các thực thể nhân tạo và quân sự hóa khu vực Biển Đông. Liệu kiến nghị trên sẽ mang lại kết quả gì? Theo TNS Ngô Thanh Hải, bản kiến nghị yêu cầu chính phủ Canada phải đóng vai trò thúc giục các quốc gia tranh chấp trong vùng công nhận luật pháp quốc tế. Chấm dứt mọi hành động tranh chấp bằng vũ lực để bảo vệ an ninh trong vùng.

Được biết, Canada đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hồi năm 2016, vậy tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông có ý nghĩa thế nào đối với Canada? Theo ông Hải, khối lượng hàng hải qua Biển Đông lên đến hơn 5.000 tỷ USD/năm. Nếu tranh chấp giữa các bên dẫn đến bế tắc trên con đường hàng hải này thì thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Vì lý do đó, khi Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế La Hay (Hà Lan), và Tòa đã ra phán quyết Trung Quốc không có tư cách để chiếm đoạt các bãi đá, nhưng nước này không công nhận phán quyết của tòa. Nếu Trung Quốc tiếp tục kiểm soát vùng Biển Đông thì sẽ tệ hại cho tất cả vùng Đông Nam Á.

Canada cũng là một quốc gia buôn bán với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, và cũng là một thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Canada đang tìm cách đàm phán thương mại với Bắc Kinh, và việc Thượng viện Canada thông qua bản kiến nghị vào thời điểm này, được cho là sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Canada là một quốc gia tôn trọng tự do dân chủ và luật pháp quốc tế nên Canada không thể làm ngơ trước thực tế ở Biển Đông. Do đó, Canada phải có tiếng nói cùng với các đồng minh ngoại giao của mình ở khu vực Đông Nam Á. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Canada cũng đã lên tiếng lo ngại sự căng thẳng trong khu vực liên quan tranh chấp Biển Đông.

Trong vai trò cụ thể của Canada trong việc gây sức ép đối với Trung Quốc ở Biển Đông, TNS Ngô Thanh Hải cho rằng có thể lúc này, các quốc gia trên thế giới không để ý tới vấn đề Biển Đông. Chính phủ Australia cho biết Trung Quốc đã chiếm gần 90% Biển Đông nên đây sẽ là cơ hội cho các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông, thể hiện lập trường dứt khoát chung, cùng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc thảo luận để sự tranh chấp không ảnh hưởng đến khu vực. Mặt khác, cần kêu gọi các quốc gia siêu cường như Hoa Kỳ, hay các nước Liên minh châu Âu (EU).

TNS Ngô Thanh Hải nêu rõ: “Canada sẽ đóng vai trò ngoại giao nhiều hơn và có ảnh hưởng đối với các quốc gia trong khu vực. Dù Canada không phải là một siêu cường như Hoa Kỳ, nhưng Canada có ảnh hưởng về ngoại giao nên có thể dùng tiếng nói của mình để cùng thảo luận với các quốc gia khác. Nếu các quốc gia đồng ý thì cùng lên tiếng kêu gọi yêu cầu Trung Quốc thảo luận về Biển Đông. Đó là một giải pháp cần phải làm”.

TNS kết luận rằng Trung Quốc luôn dùng sức mạnh của mình để lấn át và cưỡng chiếm. Các quốc gia nhỏ như Indonesia, Philippines, Việt Nam sẽ bị Trung Quốc lấn lướt. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ, EU có thể gây áp lực đối với Trung Quốc.

n Theo đài VOA, Trung Quốc ngày 25-4 đã lên tiếng phản pháo rằng khuyến nghị không có tính ràng buộc của Thượng viện Canada kêu gọi chấm dứt các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là vô trách nhiệm và sẽ “khuấy động rắc rối”.

Trung Quốc đã nhiều lần bênh vực các công trình của mình ở Biển Đông, nói rằng họ có toàn quyền xây dựng tại nơi mà họ xem là lãnh thổ của mình và họ đang đang xây cất những công trình công ích, như các trạm quan trắc và cảng tránh bão.