Thị trấn Tân Sơn trên đường phát triển

(NTO) Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn). Sau 18 năm thành lập, diện mạo thị trấn đã có những đổi thay rõ rệt, những con đường mới được trải nhựa sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát càng làm thị trấn vùng cao thêm sầm uất và khang trang hơn.

Những đổi thay của thị trấn hôm nay không chỉ người phương xa đến mới nhận thấy mà chính người dân sở tại đã nhìn nhận. Trong ký ức về những năm tháng cũ của bà con còn khắc ghi những khó khăn từ nước sạch sinh hoạt cho đến đường giao thông và các công trình công cộng khác. Nhưng sau gần hai thập kỷ xây dựng và phát triển, diện mạo thị trấn đã thay đổi rõ nét, nhiều tuyến đường được bê tông hóa, cảnh quan được bao phủ bởi cây xanh tạo nên sự thông thoáng, sạch đẹp; khuôn viên, phố xá được chỉnh trang ngày một hoàn thiện, tạo cho thị trấn dáng vẻ đầy sắc màu. Chính sự thay đổi của địa phương, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông hàng hóa, mở rộng sản xuất, kinh doanh qua đó góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển.

Một góc của thị trấn Tân Sơn

Đồng chí Võ Đăng Kiều, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn cho biết: Thị trấn đang dần thay đổi từng ngày và kinh tế - xã hội có những bước phát triển đáng kể, đời sống của nhân dân địa phương ngày càng được cải thiện và nâng cao. Điều đó thể hiện thông qua thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,9%, tốc độ tăng trưởng trong năm 2017 đạt 17,8%. Nghị quyết số 08-NQ/HU của Huyện ủy Ninh Sơn xác định hướng đi mới của thị trấn Tân Sơn là phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ, đồng thời phấn đấu đưa địa phương trở thành đô thị loại IV trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và nông nghiệp sạch, trong những năm qua, địa phương luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển, mở rộng kinh doanh và các hoạt động về thương mại, dịch vụ. Chính vì thế, đã có nhiều cơ sở kinh doanh, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động với nhiều mặt hàng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân địa phương. Trong năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt 101 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Thìn, người dân khu phố 3 chia sẻ: Nếu như trước kia ở thị trấn chỉ có những cửa hàng tạp hóa nhỏ thì nay đã có nhiều đại lý, cửa hàng lớn với đủ các mặt hàng từ ti vi, tủ lạnh, xe máy đến hàng tiêu dùng được mở rộng bán đầy đủ tại địa phương. Nhờ đó, người dân không phải tốn nhiều thời gian và công sức đi xa để mua sắm như trước.

Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, chính quyền địa phương còn tích cực quan tâm và chăm lo đến đời sống tinh thần cho nhân dân. Đây được xem là bước đi đột phá để nâng cao đời sống văn hóa ở địa phương. Từ các phong trào về xây dựng đời sống văn hóa, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các hoạt động về thể dục thể thao ở khu dân cư đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, qua đó, đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ giúp bà con tích cực hơn trong xây dựng đời sống văn hóa mới, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, hiện đại, đến nay số hộ gia đình văn hóa tại địa phương đạt trên 85%. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn đề cao vai trò làm chủ của nhân dân bằng hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thông qua đó, nhân dân đoàn kết và phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật.

Chiều muộn tại thị trấn trong những vạt nắng cuối ngày trải dài trên từng nếp nhà, cũng là lúc trung tâm thị trấn Tân Sơn bắt đầu lên đèn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhộn nhịp tưng bừng hơn hẳn, tiếng nhạc dập dìu, ánh đèn Led đủ sắc màu từ những hàng quán, khu dịch vụ, khiến những du khách có dịp đến đây như bị níu chân lại.