Cựu chiến binh Ninh Thuận: Với phong trào làm kinh tế giỏi

(NTO) Trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa đã phát huy tốt bản chất anh "Bộ đội Cụ Hồ", không ngại khó khăn gian khổ, hăng hái lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, họ còn tích cực hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.

Năm 1988, sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, với 2 bàn tay trắng, ông Trần Công Thắng ở phường Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) đã từng bước gầy dựng cho mình một cơ ngơi rất khang trang, trở thành ngư dân tiêu biểu của địa phương. Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của bản thân. Ông kể, những năm mới xuất ngũ trở về địa phương, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ông xin vào làm lái tàu cho Hợp tác xã nghề cá Đông Hải, thu nhập rất bấp bênh, cũng trong thời gian này ông cưới vợ, cuộc sống gia đình khiến cho những suy nghĩ về miếng cơm, manh áo càng thêm nặng nề. Hai vợ chồng ông dù phải bươn trải cực nhọc nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau. Không chịu chấp nhận với hoàn cảnh, với bản chất cần cù, chịu khó của anh “Bộ đội Cụ Hồ” ông luôn suy nghĩ phải làm sao vượt qua được hoàn cảnh đó để có điều kiện chăm lo cho vợ con. Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi hợp tác xã giải thể, số tàu thuyền trong hợp tác xã được đem bán, với số tiền khá lớn thời đó nên ngư dân địa phương không có điều kiện để mua, mà chủ yếu được bán cho các ngư dân từ các tỉnh bạn. Nhận thấy cơ hội để sở hữu cho mình một chiếc tàu làm ăn đã đến, ông Thắng đã chạy vạy khắp nơi để có số tiền mua lại một chiếc, từ chiếc tàu công suất nhỏ đó, ông đã từng bước gầy dựng cho mình một đội tàu đến nay gồm 5 chiếc với công suất lớn, đánh bắt hải sản chủ yếu tại vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK1, góp phần tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mỗi năm, thu nhập từ 5 chiếc tàu của ông đem lại lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra ông còn tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 100 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 9-10 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, ông còn tham gia tích cực vào công tác xã hội như ủng hộ các quỹ của địa phương, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Ông Thắng chia sẻ: “Chỉ cần bản thân có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm thì mọi việc sẽ thành công. Không bằng lòng với những gì mình có, thời gian tới tôi sẽ đóng mới thêm tàu thuyền và đẩy mạnh việc khai thác hải sản xa bờ, điều này không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mà có thêm điều kiện để giúp đỡ những người xung quanh còn gặp nhiều khó khăn”.

Cựu chiến binh Trần Công Thắng chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Không riêng gì cựu chiến binh (CCB) Trần Công Thắng, thời gian qua có rất nhiều tấm gương CCB trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên, dám nghĩ, dám làm, làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội. Toàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp, trên 400 trang trại, gia trại do CCB làm chủ. Tiêu biểu như hội viên Đoàn Văn Sắn (xã Tân Hải, Ninh Hải), chủ doanh nghiệp sản xuất và thu mua chế biến hải sản, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động địa phương, trong đó 1/3 lao động là con em CCB; anh Hoàng Đại Nghĩa (xã Phước Minh, Thuận Nam) với mô hình trang trại VAC, nuôi dê, cừu trên 1.000 con, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng; CCB Võ Văn Vũ đã đầu tư xây dựng 2 trại nuôi heo thịt theo mô hình mới, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỗi trại từ 200 -300 con, mỗi năm ông bán từ 2 đến 3 lứa heo thịt, sau khi trừ chi phí, lãi gần 200 triệu đồng... Thời gian qua, để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã đẩy mạnh các hình thức tham quan, hội nghị đầu bờ, cung cấp tư liệu nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học-kỹ thuật trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh. Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể mở hàng trăm lớp tập huấn về kiến thức vay vốn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, vệ sinh môi trường… cho hàng nghìn lượt hội viên. Cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho hội viên về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo. Tỉnh hội xây dựng và duy trì 178 tổ tiết kiệm vay vốn, với 7.168 hộ vay, dư nợ 140,9 tỷ đồng. Hầu hết các hội viên đều sử dụng nguồn vốn vay vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp Hội huy động xây dựng quỹ hội được hơn 23,9 tỷ đồng cho vay xoay vòng gần 11.000 lượt hội viên không tính lãi để giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống. Cùng với phát triển kinh tế, Hội CCB tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội viên tự nguyện đóng góp theo khả năng, điều kiện để góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Điển hình như hội viên xã Bắc Phong (Thuận Bắc) hiến đất làm kênh mương và trạm bơm trị giá 305 triệu đồng; Hội CCB huyện Ninh Sơn tham gia góp công làm đường nông thôn dài trên 5,7km; CCB Nguyễn Văn Diễn, Chi hội trưởng CCB thôn Mỹ Tân 2 (xã Thanh Hải, Ninh Hải) hiến 600m2 đất và trực tiếp vận động nhân dân hiến 2.500m2 đất để làm kênh thoát lũ... 

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được các cấp hội triển khai thực hiện rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhiều năm qua. Các CCB luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên, với quyết tâm “Không cam chịu đói nghèo”, làm giàu chính đáng. Từ quyết tâm đó, phong trào làm kinh tế của CCB tỉnh nhà đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, khơi dậy tiềm năng, nội lực của các CCB. Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục động viên hội viên phấn đấu vươn lên chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.