Kỷ niệm về chiếc cầu dây

(NTO) Trong đời sống con người ai cũng có những kỷ niệm. Có kỷ niệm phôi pha theo thời gian, nhưng cũng có kỷ niệm theo ta suốt cả cuộc đời. Trong chuyến tải “ hàng” về mặt trận tiền phương Tuyên Đức (Nam Tây Nguyên ), chiếc cầu dây “đặc biệt” để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên.

Tuyến đường H.50 vận tải hàng chiến lược trên chiến trường Khu 6 gần 400 cây số. Sông suối như bàn cờ. Ai có dịp qua đây vài lần sẽ không nhớ hết số cầu và tên cầu. Mỗi chiếc cầu có hình thù khác nhau. Cầu là đối tượng đánh phá của địch nên phải ẩn mình trong cây, trong núi để che mắt địch. Nhưng cũng có những chiếc cầu đứng giữa trời thách thức bom đạn của Mỹ.

Tháng 4 - 1968 , H.50 được lệnh hành quân về chiến trường Tuyên Đức. Lực lượng vận tải lúc nầy hầu hết là nữ đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, có người mới rời ghế nhà trường, hơn nữa chưa kịp hồi phục sức lực sau đợt phục vụ cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Tuy vậy ai cũng háo hức chờ ngày lên đường. Hơn 10 ngày Đoàn đã vượt qua hàng 100 cây số, hàng chục sông suối cầu, bè, đèo dốc hiểm trở, có người nằm lại vĩnh viễn nơi lòng sông Đặc Lấp, có người bị bong gân, sái vai không đi được đành trú lại dọc đường. Người nằm lại còn hàng được chia sớt mang đi nên trọng lượng trên vai cứ tăng dần, có người lên đến 50- 60 kg chưa tính quân trang, lương thực mang theo. Hàng ngày, có khi đến tối đoàn người như những con sâu đo bò qua những dốc núi trơn trợt. Theo lịch trình, ngày 28-4 “hàng” đến nơi tập kết. Khoảng 8 giờ sáng hôm đó, đoàn dừng quân bên triền đồi để chuẩn bị vượt sông. Những cơn gió rừng già Nam Tây Nguyên trong tiết tháng 4, len lỏi dưới tán cây làm khô cứng những tấm áo ướt đẫm mồ hôi. Nhiều chị nằm soài người trên kiện hàng, mắt lim dim lắng nghe âm thanh của núi rừng, tiếng nước chảy của con sông họ sắp đi qua.

Lệnh vượt sông được chuyền đi. Bên cạnh lối ra sông có những hố bom còn nguyên màu đất mới, nhiều thân cây hằn sâu vết đạn, những cành cây gãy chưa đâm chồi trở lại. Chiếc cầu dây dần dần hiện ra, lúc nầy mọi người mới hình dung hết chiếc cầu mà người dẫn đường đã nói. Chiếc cầu dây không giống những chiếc cầu dây mà họ đã đi qua như dán vào mắt, thách thức đôi chân của những cô gái tải đạn chưa một lần qua đây.

Không biết cầu được làm từ bao giờ. Nghệ nhân hay kỹ sư đã thiết kế, xây chiếc cầu kỳ lạ này: Cầu được bắt ngang qua dòng nước chảy cuồn cuộn “con sông chảy giữa lòng sông”. Cầu có 2 trụ mỗi trụ ở một bên bờ là cây gỗ rừng đường kính khoảng 30 cm dựng trên nền đá được giữ chặt bằng một đống đá xếp hình nón lá để úp và neo những đoạn dây mây. Đầu và giữa thân trụ ở hai bờ nối với nhau bằng hai sợi dây song lớn, kẹp theo đó là những đoạn tre bằng cổ tay để làm giảm độ chùng. Giữa hai triêng được bện ngang dọc bằng các loại dây rừng tạo thành tấm lưới bóng chuyền. Người qua cầu nhích từng bước ngang. Khi cầu có tải nặng hay nhẹ, triêng dưới chạm nước nhiều hay ít. Nước chảy mạnh người đổ về phía trước; nước chảy yếu người ngả về phía sau. Trường hợp người rơi xuống nước nếu không cứu vớt kịp thời thì khó sống sót . Cầu còn là nơi kẻ thù rình rập đánh phá bất cứ lúc nào. Do vậy người làm cầu bố trí một “hệ thống an toàn” bằng cách buộc ở triêng dưới nhiều sợi dây dài gần nhau thả chúng bơi trong dòng nước tựa như bầy rắn xếp hàng ngang tranh nhau chạy ngược. Khi bị rơi hay chủ động nhảy xuống cầu để che mắt máy bay địch. Trước hết phải bám được dây sau đó lên bờ hay lên lại cầu bằng những sợi dây khác. Mỗi lượt qua cầu chỉ được đi 2 người và hàng. Quá tải cầu sẽ chồng chềnh dễ bị đứt hoặc hất người xuống nước, hơn nữa đi nhiều người một lúc, trường hợp máy bay đánh bom khó xử lý kịp.

Gần một giờ đồng hồ, Đại đội đi đầu qua chưa hết thì chiếc máy bay L.19 xuất hiện. Nó đảo một vòng, bổ nhào bắn liền hai quả róc-két và loạt súng đại liên rồi bỏ đi làm hai người trên cầu bị thương. Có người tưởng chúng bắn vu vơ nhưng người chỉ huy biết ý đồ của chúng nên ra lệnh tạm dừng qua cầu. Người đã qua rồi bằng mọi cách rời xa bến sông, người còn lại phân tán đội hình, tìm nơi ẩn núp. Không sai chút nào. Mấy phút sau nó quay lại với hai chiếc phản lực. Cầu là tọa độ được định sẵn nên chúng không cần những quả mù của chiếc L.19 trinh sát chỉ điểm, nó đua nhau nhả bom, nhả đạn xuống cầu, xuống sông và hai bên đồi núi. Một vùng trời khói lửa, đất đá, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Những cột nước sông bị bom tung lên cao hàng chục mét rơi xuống tựa cơn mưa rào. Người gần nơi bom nổ bị dồi như quả bóng. Sau một hồi đánh phá, chúng không thấy sự phản ứng nào nên bỏ đi. Thật may, bom đạn tránh người, không ai hy sinh, chỉ có mấy người bị thương.

Người bị thương, cầu cũng bị thương. Người bị thương được đưa về nơi cứu chữa. Cầu “ bị thương” cũng được sửa chữa gia cố. Người còn lại tiếp tục qua sông. Do đi quá tải, cầu đứt đôi làm 5 người rơi xuống sông , tổ cứu hộ kịp thời đưa người và hàng vào bờ an toàn. Cầu được nối lại khi mặt trời đi nhanh về hướng Tây. Người cuối cùng qua cầu cũng là lúc bóng núi đã phủ kín mặt sông. Đêm ấy núi rừng Tuyên Đức cùng thức thâu đêm với những cô gái vận tải Đoàn H.50 và được nghe những câu chuyện về những chiếc cầu mà họ đã đi qua có cả máu và nước mắt của đồng đội mình thấm đẫm.

Chiến tranh đã lùi xa. Mỗi lần đến ngày 30 -4, ngày giải phóng miền Nam, thống nhât đất nước, mốc son lịch sử vẻ vang của nhân dân ta , tôi lại nhớ chiếc cầu dây và những cô gái tải đạn năm nào. Mặc cho kẻ thù chặn lối, những đôi chân, đôi vai nhỏ bé mềm yếu với kiện hàng trên lưng “sự sống và cái chết” được ngụy trang bằng lá rừng cao hơn đầu người, nghiêng ngả, lắc lư như đánh đu giữa dòng nước chảy xiết sao mà đep lạ thường. Những cô gái đứng trên cầu hôm đó như đứng nơi tầm cao chiến thắng. “Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép”, hình bóng của họ in trên nền trời xanh như một tượng đài.