Tập trung giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng

(NTO) Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh được Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 176 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 10%.

Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo 40 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 70 tỷ đồng; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường 20 tỷ đồng; cho vay vùng khó khăn 20 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 20 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn NHCSXH 10 tỷ đồng và cho vay hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 6 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các chỉ tiêu tín dụng được giao, ngay từ đầu năm, NHCSXH tỉnh tham mưu Đảng ủy các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp Ban đại diện – Hội đồng quản trị (BĐD-HĐQT) các địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác bình xét và giải ngân nguồn vốn... Nhờ đó, đến hết quý I doanh số cho vay của đơn vị đạt 266,476 tỷ đồng/9.739 lượt hộ vay, nâng tổng dự nợ đến ngày 31-3-2018 lên 1.850,684 tỷ đồng, tăng 81,997 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 50% kế hoạch tăng trưởng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Bắc
hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn. Ảnh: Văn Miên

Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, mặc dù việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách trong quý I đạt tiến độ tốt, giúp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện tỷ lệ nợ quá hạn vẫn còn khá cao. Tính đến ngày 31-3-2018, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh 23,804 tỷ đồng, chiếm 1,28%. Trong đó, nợ quá hạn là 9,656 tỷ đồng, chiếm 0,52%, tăng so với đầu năm 859 triệu đồng. Một số địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn tăng khá cao như: Ninh Phước tăng 475 triệu đồng, Ninh Hải tăng 107 triệu đồng, Ninh Sơn tăng 265 triệu đồng, Hội sở tỉnh tăng 28 triệu đồng và Thuận Bắc tăng 3 triệu đồng. Về chất lượng tín dụng, hiện có 300/1.642 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn có nợ quá hạn từ 1% trở lên, trong đó có 162 tổ có nợ quá hạn từ 2% trở lên, tăng 9 tổ so với đầu năm.

Tính đến thời điểm đầu năm 2018, tỉnh ta có tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới 17.284 hộ (chiếm 10,36%) và cận nghèo 16.698 hộ (chiếm 10.01%). Để chia sẻ kịp thời khó khăn với người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách bị thiệt hại do nắng hạn gây ra, tại cuộc họp đánh giá hoạt động tín dụng quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2018 vào ngày 12-4 vừa qua, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BĐD-HĐQT NHCSXH tỉnh yêu cầu NHCSXH tỉnh chỉ đạo các Phòng giao dịch trực thuộc phối hợp với UBND các huyện rà soát, thống kê số hộ vay vốn bị rủi ro do hạn hán để có biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh tập trung giải ngân nhanh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho hộ vay chấp hành tốt chính sách tín dụng ưu đãi. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên nắm bắt, theo dõi các địa phương có chất lượng tín dụng thấp, có nợ quá hạn từ 1% trở lên để chỉ đạo thực hiện các giải pháp củng cố. Phấn đấu đến cuối quý II duy trì nợ quá hạn dưới 0,5% và tỷ lệ số hộ vay tham gia gửi tiết kiệm đạt từ 90% trở lên... Đối với các hội, đoàn thể nhận ủy thác cần quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo sớm được vay vốn, biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn, nhằm giúp các hộ vay nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả nhất. Đồng thời trong năm 2018, mỗi huyện, thành phố phải xây dựng được ít nhất 2 điểm giao dịch xã thân thiện, kiểu mẫu.