Nhiều hệ lụy từ hành động tấn công Syria của Mỹ và đồng minh

Đêm 13-4 (theo giờ Mỹ) tức rạng sáng 14-4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đã ra lệnh tấn công vào các mục tiêu liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của Syria, nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta ngày 7-4 vừa qua, mà chính phủ Mỹ cáo buộc Nga và Syria chịu trách nhiệm. Quyết định tấn công Syria của Mỹ, cùng với sự hậu thuẫn của Anh và Pháp, được cho là sẽ khiến cho cuộc nội chiến ở Syria ngày càng trở nên phức tạp.

Quyết định tấn công Syria

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 14-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án chế độ Tổng thống Bashar Al-Assad với các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học làm nhiều dân thường thiệt mạng, đồng thời ông tuyên bố liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã khởi động một chiến dịch tại Syria nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad (Ba-sa an Át-xát) và nêu rõ vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma (Đu-ma) của nước này là "một hành động leo thang".

Tổng thống Trump cũng thông báo đã ra lệnh không kích vào Syria như một biện pháp đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học mà Mỹ cho rằng chính quyền Syria là chủ mưu. Cụ thể, người đứng đầu Nhà Trắng đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của Mỹ tiến hành các cuộc "không kích chính xác" vào các mục tiêu được cho là "có liên hệ với các cơ sở vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Ông tuyên bố bước đi này của Mỹ là nhằm cái gọi là "ngăn cản việc sản xuất, phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học".

Để viện dẫn lý do phát động cuộc tấn công lần này, Nhà Trắng ngày 14-4 còn cho biết nhiều thông tin chỉ ra rằng Chính phủ Syria đã sử dụng khí Clo trong vụ tấn công hóa học tại thị trấn Douma (Đu-ma). Trong khi đó, các thông tin khác cho thấy Damascus đã sử dụng chất độc sarin. Nhà Trắng khẳng định kết luận của Mỹ về vụ tấn công hóa học ở Syria được dựa trên nhiều nguồn tin từ truyền thông, hình ảnh, video cùng "các thông tin đáng tin cậy".

Tổng thống Trump còn khẳng định Mỹ sẽ duy trì biện pháp đáp trả quân sự này cho đến khi Syria dừng sử dụng vũ khí hóa học. Và ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một vụ nổ lớn đã xuất hiện tại thủ đô Damascus của Syria.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Thủ tướng Anh Theresa May cũng lập tức ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Anh triển khai “cuộc tấn công chung để loại bỏ vũ khí hóa học của Syria”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra tuyên bố khẳng định cuộc tấn công nhằm giới hạn năng lực vũ khí hóa học của Syria.

Các cuộc tấn công của Mỹ và liên quân Anh-Pháp được thực hiện từ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14-4 (theo giờ Việt Nam). Đến sáng ngày 14-4, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford (Giô-xép Đăn-phót) cho biết đợt không kích đầu tiên tại Syria đã kết thúc. Hiện Mỹ chưa có kế hoạch tiến hành thêm các vụ tấn công tại Syria. Tướng Dunford cho hay Mỹ đã sử dụng các máy bay có người lái trong chiến dịch tấn công. Theo ông, Mỹ không báo trước cho phía Nga trước khi bắt đầu chiến dịch này. Tuy nhiên, Mỹ đã sử dụng các kênh giảm căng thẳng thông thường liên quan đến vấn đề không phận.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (Giêm Mát-tít) cho biết số lượng vũ khí được Mỹ sử dụng trong cuộc không kích lần này đã tăng gâp đôi so với năm 2017.

Phản ứng của các bên

Vụ tấn công quân sự của liên quân Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào Syria đêm ngày 13-4 đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (Gien Xtô-ten-bớc) thì lên tiếng ủng hộ chiến dịch tấn công của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học của Syria. Ông cho rằng hành động quân sự này sẽ giúp giảm khả năng chính quyền Damascus tấn công người dân Syria bằng vũ khí hóa học.

Chỉ hơn một giờ sau khi Mỹ phối hợp với Anh và Pháp tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào các cơ sở vũ khí hoá học ở Syria, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng ra tuyên bố khẳng định ủng hộ mạnh mẽ cuộc tấn công này.

Trong khi đó, truyền hình nhà nước Syria SANA đã chỉ trích cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào nước này là một sự "vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế". SANA cho rằng chiến dịch tấn công trên "sẽ thất bại" và không thể hỗ trợ cho các "tay sai khủng bố" ở Syria. Truyền hình Syria cũng cho biết Mỹ đã tấn công nhiều kho hàng của quân đội nước này ở khu vực Homs (Hôm-xơ). Hiện chính phủ Syria vẫn đang đánh giá những thiệt hại sau cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp. Một quan chức thân chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết liên minh ba nước đã phóng khoảng 30 tên lửa vào Syria song khoảng 1/3 trong số này đã bị quân đội Syria bắn hạn.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov (A-na-tô-li An-tô-nốp) cho rằng hành động của Mỹ tại Syria chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Washington không có quyền đổ lỗi cho quốc gia khác, đồng thời khẳng định việc xúc phạm Tổng thống Nga Vladimir Putin là hành động "không thể chấp nhận".

Bộ Ngoại giao Nga thì cáo buộc các nước phương Tây đã tấn công thủ đô của một quốc gia có chủ quyền đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố trong nhiều năm qua.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Aleksandr Sherin (A-lếch-xan-đrơ Sê-rin) cho rằng việc Mỹ tấn công Syria vi phạm tất cả các chuẩn mực quốc tế. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga Yuri Shvytkin đã kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức một phiên họp khẩn để lên án chiến dịch quân sự của Mỹ cùng đồng minh tại Syria.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova (Ma-ri-a Da-kha-rô-va) thì tuyên bố các phương tiện truyền thông phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này vì đã tuyên truyền rầm rộ những thông tin không kiểm chứng về cái gọi là quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Bùng nổ “chảo lửa” Syria

Có thể thấy, quyết định tấn công Syria của tổng thống Mỹ Trump được cho là khá bất ngờ, bởi trước đó ông Trump vẫn tuyên bố cân nhắc về quyết định này. Vụ tấn công sáng ngày 14-4 này là lần thứ 2 Mỹ tiến hành tấn công quân sự đối với Syria dưới thời Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh các quan chức Mỹ cho rằng Tổng thống Bashar Al-Assad đang tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của phương Tây bằng các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học. Lệnh tấn công Syria được đưa ra sau một loạt các đe dọa hành động quân sự của Tổng thống Trump trong mấy ngày qua. Quyết định này đã được thảo luận và cân nhắc trong gần một tuần qua do giới chức quốc phòng Mỹ lo ngại một cuộc tấn công sẽ kéo Mỹ vào cuộc nội chiến Syria và sẽ gây ra 1 cuộc xung đột nguy hiểm với đồng minh của Syria là Nga trong khi vẫn không ngăn được các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Còn nhớ cách đây 1 năm, vào tháng 4-2017, Tổng thống Trump đã ra lệnh không kích Syria bằng 59 quả tên lửa Tomahok từ 2 tàu chiến Mỹ ở khu vực biển Địa Trung Hải. Washington giải thích quyết định tấn công này là để "đáp trả" một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib ngày 4-4, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ và các nước phương Tây một mực đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội Syria đã không kích trúng kho vũ khí hóa học của phe đối lập nước này. Trong khi chưa có bất kỳ kết quả điều tra chính thức về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học trên, Mỹ đã đơn phương có hành động quân sự nhằm vào quân đội chính quyền Syria. Cho đến nay, những cáo buộc nêu trên vẫn vô căn cứ, song những mất mát về người và tài sản thì không thể lấy lại.

Và lần này cũng vậy, kể từ sau vụ tấn công nghi do sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ngày 7-4 vừa qua, tình hình tại Syria đã trở nên rối ren khi Mỹ và các đồng minh dồn dập cáo buộc chính phủ Syria thực hiện vụ tấn công trên. Trong khi Nga và Syria đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời cho rằng đây là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để lấy cớ can thiệp quân sự vào Syria.

Hiện các cuộc điều tra về vũ khí hóa học tại Syria vẫn đang được xúc tiến khẩn trương. Ủy ban Điều tra quốc tế độc lập về Syria ngày 13-4 đưa ra tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo quản các bằng chứng liên quan đến vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng thông báo nhóm điều tra viên quốc tế về vũ khí hóa học đầu tiên đã tới Syria vào ngày 13-4 và không lâu sau nhóm điều tra thứ hai cũng sẽ được triển khai tới quốc gia Trung Đông này.

Nhưng trong lúc kết quả điều tra về vũ khí hóa học chưa được công bố, các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ, Anh và Pháp thực hiện cuộc tấn công vào Syria được cho là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Hành động này được dự báo có thể sẽ dẫn tới khả năng trả đũa từ phía Nga hoặc Iran, những nước hỗ trợ quân sự cho chính quyền Syria, đồng thời làm cho vấn đề Syria ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bởi lẽ sử dụng giải pháp quân sự để làm leo thang căng thẳng tình hình tại quốc gia vốn chìm trong nội chiến và bất ổn dai dẳng này liệu có mang lại lợi ích thực sự cho Mỹ hay không. Hay cái giá phải trả cho một cuộc tấn công thiếu chiến lược lại đắt hơn nhiều, khi mà thực tế không thể phủ nhận rằng, Mỹ tấn công Syria thì khó lòng tránh khỏi sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nguy cơ đối đầu trực diện với Nga.