Khoảnh khắc và sự kiện 24-3

* Trong nước:

- Ngày 24-3-1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. 

Người căn dặn: “Hiện nay, nhiệm vụ của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; trước mắt là phải hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay, làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của chúng ta”.

Người lưu ý thanh niên: “Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng”; cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”.

- Ngày 24-3 đến 15-4-1992: Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 được thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 8. Hiến pháp thể hiện toàn bộ tinh thần và nội dung đường lối đổi mới mà các đại hội lần thứ 6 và 7 của Đảng đề ra. 

Bản Hiến pháp khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Từ năm 1945 đến nay, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Các bản Hiến pháp có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước.

* Thế giới:

- Ngày 24-3-1959: Cấp bằng sáng chế cho thiết bị Maser. Thiết bị Maser có khả năng “Khuếch đại sóng vi ba bằng phát xạ kích thích”. 

Maser và laser có cơ chế hoạt động giống nhau, chỉ khác là maser hoạt động với tần số photon ở vùng vi sóng còn laser hoạt động trong phổ cực tím, ánh sáng hay hồng ngoại. Do đó các tia Maser tập trung hơn và có năng lượng cao hơn laser gấp nhiều lần.

Vào năm 1954, nhà vật lý Charles Townes và đồng nghiệp tại trường Đại học Columbia ở Thành phố New York là tiến sĩ Basov cùng tiến sĩ Prochorov đã công bố phát hiện của mình đối với thiết bị có khả năng tạo ra tia Maser. Đến năm 1959, bằng sáng chế được cấp cho phát minh của họ. Sau này maser được ứng dụng nhiều trong quân sự và y học. 

- Ngày 24-3-2010: Ấn Độ khánh thành cây cầu vượt biển thứ hai tại Mumbai. Đây là một phần của dự án Cầu Nối biển Rajiv Gandhi, hay còn gọi là cầu Nối Biển Bandra-Worli (BWSL), với chiều dài lên tới 5,6 km. 

Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là 32,34 tỷ rupi (hơn 800 triệu USD). Dự án gồm hai cây cầu chạy song song được xây dựng bằng bê tông cốt thép, nhịp giữa của mỗi cầu là đoạn cầu dây văng với hai tháp treo cao 128m. Mỗi cầu có 4 làn đường nối khu vực Bandra và vùng ngoại ô phía Tây của Mumbai với vùng Worli và trung tâm thành phố. Cầu thứ hai dành cho các phương tiện giao thông cơ giới ra khỏi thành phố, trong khi cầu thứ nhất dành cho các loại xe từ Bandra đi vào thành phố (đã được khánh thành vào tháng 6-2009).

Với việc khánh thành cây cầu thứ hai, các phương tiên giao thông cơ giới chỉ mất 7 phút cả đi lẫn về giữa hai khu vực Bandra và Worli thay vì 45-60 phút trước.