Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(NTO) Ngày 16-3-2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1066/KH-UBND về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018.

Theo đó quyết định tổ chức đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn; đối tượng học là phụ nữ, lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, ngư dân; lao động tại các doanh nghiệp, lao động là thành viên các hợp tác xã; các cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan.

Để đạt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018, cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề gắn với việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn. Khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các sản phẩm chủ lực, tái cấu trúc ngành Nông nghiệp, kế hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp-cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ…góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân, lao động nữ bị mất việc làm, chưa có việc làm. Phát huy vai trò chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, trong đó đặc biệt là chính quyền cấp xã, trong việc xác định các ngành, nghề đào tạo gắn với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương; hướng dẫn lao động nông thôn vay vốn sau học nghề để đầu tư sản xuất; hướng dẫn lao động nông thôn hình thành các nhóm, tổ đội sản xuất.

Tăng cường vai trò của hội, đoàn thể các cấp trong việc gắn công tác dạy nghề với giải quyết việc làm thông qua các mô hình giải quyết việc làm, mô hình sản xuất, kinh doanh của các cấp hội, đoàn thể. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo hướng phân rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác dạy nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phát huy vai trò của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp và nhân dân giám sát và phản biện xã hội đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Căn cứ yêu cầu ngành nghề đào tạo, lựa chọn các cơ sở đào tạo đủ điều kiện theo quy định để triển khai công tác đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu và đạt hiệu quả.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đúng tiến độ, đạt được mục tiêu, yêu cầu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh ta trong năm 2018.