Cần có giải pháp phát triển bền vững cho người trồng mía

(NTO) Niên vụ mía 2017 – 2018, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa – Phan Rang hợp đồng đầu tư bao tiêu sản phẩm mía với diện tích trên 3.700 ha, tăng gần 700 ha so với vụ trước. Hiện nay đang bước vào mùa thu hoạch rộ, nhưng nông dân không mấy vui vì giá mía đường đang giảm mạnh. Trong khi đó, các khoản chi phí đầu tư và phí phải bỏ ra trong thu hoạch ngày càng cao.

Thêm mùa mía nhiều áp lực

Có mặt tại những cánh đồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn vào những ngày đầu tháng 3, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương tất bật thu hoạch của nông dân. Tuy nhiên, tình trạng mía chặt ra “nằm phơi” chờ xe của nhà máy đường đến chở vẫn còn xảy ra, làm nhiều nông dân bức xúc. Theo ông Tuấn ở thôn Thạch Hà (xã Quảng Sơn), không chỉ riêng 3 ha mía nhà ông, mà hàng chục ha mía của những hộ nằm trong khu vực Vườn Trầu, Chơ Vơ…, dù được hợp đồng thu mua trong tháng 2 nhưng đến nay vẫn chưa được “cấp lệnh” chặt dẫn đến tình trạng mía khô, sản lượng và chữ đường chắc chắn sẽ giảm khi đến lượt thu hoạch.

 
Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch mía niên vụ 2017-2018.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thành Hiền, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang cho biết: Tình trạng mía của nông dân chặt ra “nằm chờ” xe của công ty vài ngày là có diễn ra. Tuy nhiên, đây không hẳn là lỗi của nhà máy, bởi với công suất ép trung bình 1.500 tấn/ngày hiện nay thì nhà máy hoàn toàn thu mua ổn định. Nguyên nhân là do đang là cao điểm mùa thu hoạch và cũng là mùa khô, nên nhiều nông dân rất nôn nóng sợ mía của mình bị cháy đã tự ý chặt không theo lệnh của nông vụ mới, dẫn đến tình trạng “ùn mía”. Hiện Ban giám đốc đã có lịch bố trí người trực tiếp xuống những cánh đồng mía đang thu hoạch để kiểm tra, chỉ đạo công tác thu mua giúp nông dân, đặc biệt sẽ ưu tiên thu mua những vùng mía không chủ động nước đã bị khô nhiều.

Được biết, đến thời điêm hiện nay, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang đã tiến hành thu mua được hơn 30% diện tích mía hợp đồng với nông dân trên địa bàn tỉnh. Giá thu mua hiện tại 800.000 đồng/tấn (mía 10 chữ đường), tương đương khoảng 1.100 ha, sản lượng ước đạt khoảng 100.000 tấn. Trong khi đó, vùng nguyên liệu mía của huyện Ninh Sơn năm nay diện tích tăng ngoài kế hoạch gần 1.000 ha, nên tình trạng thu mua mía chậm của nhà máy vẫn tiếp tục diễn ra như các năm trước khi vào vụ thu hoạch rộ. Rõ ràng, trong tình cảnh nôn nóng của người trồng mía thì áp lực dành cho nhà máy là điều thấy rõ.

Cần có giải pháp bền vững

Thực tế nhiều năm trở lại đây, cứ đến mùa thu hoạch rộ thì tình trạng nông dân kêu than vì nhà máy thu mua chậm, chữ đường thấp không còn quá xa lạ. Vì vậy, vấn đề mà nông dân mong mỏi là Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang cần có những điều chỉnh thật sự hợp lý, để làm sao đưa cây mía phát triển bền vững theo hướng có lợi cho nhà nông và doanh nghiệp, trọng tâm là để người trồng mía giảm đi bớt một số chi phí đầu tư, phí thu hoạch và tăng năng suất, chữ đường mới thật sự quan trọng, có như vậy họ mới gắn bó dài lâu với cây mía.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Địa phương chúng tôi được xem là “thủ phủ” trồng mía của cả tỉnh với diện tích phát triển hằng năm khoảng trên dưới 2.000 ha, trong đó chỉ có khoảng hơn 30% diện tích mía được chủ động nước tưới. Để giúp nông dân chủ động trong sản xuất, thời gian qua nhà máy đã có những hỗ trợ để cùng với nông dân áp dụng thêm những phương pháp mới như: sử dụng tưới bằng năng lượng mặt trời, tưới tiết kiệm nhỏ giọt, tưới bằng béc phun mưa…, nhưng so với tỉnh bạn thì việc làm này còn rất ít. Với địa hình đất canh tác như hiện nay, rất nhiều nông dân mong mỏi nhà máy nên có giải giải hỗ trợ nông dân lâu dài trong việc áp dụng máy móc vào sản xuất, nhất là đầu tư hệ thống nước tưới ổn định.

Để chủ động trong việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh nhằm gắn kết dài lâu với hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, vừa qua Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang đã chủ động mua thêm một số máy móc để hỗ trợ nông dân về khâu làm đất, xuống giống, thu hoạch và hướng dẫn thêm cho bà con về phương pháp mới là trồng mía hàng đôi. So sánh với thực tế của một số khu vực đã áp dụng thì chi phí đầu tư của nông dân khi thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất tại Ninh Thuận sẽ giảm khoảng 20%, khi vào vụ thu hoạch sẽ giảm thêm được một số khoản phụ khác. Tuy nhiên, theo ông Phan Thành Hiền điều đáng buồn là nông dân vẫn chưa thật sự tin tưởng vào nhà máy và chưa muốn áp dụng.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang vẫn đang tích cực triển khai thí điểm thêm phương án xây dựng các diện tích cánh đồng mía lớn tại một số vùng của huyện Bác Ái và Ninh Sơn. Đây cũng là điều kiện để việc đưa cơ giới hóa toàn phần vào sản xuất cây mía thuận lợi hơn. Cũng cần nói thêm rằng, trước xu thế hội nhập của ngành mía đường, giá đường được nhận định sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, thì việc sản xuất mía theo hướng truyền thống càng làm cho nông dân khó “sống được” với cây mía, chứ chưa nói đến việc hưởng “vị ngọt” của nó. Rõ ràng, một giải pháp, một định hướng mới cho cây mía ngay từ bây giờ đang rất cần!