Giải pháp dồn điền xây dựng cánh đồng lớn

(NTO) Năm 2018, tỉnh ta đề ra kế hoạch xây dựng 14 cánh đồng lớn (CĐL) với tổng diện tích hơn 1.424 ha. Để thực hiện đạt mục tiêu, ngành chức năng, các địa phương tập trung vận động nông dân tiến hành dồn những thửa ruộng nhỏ lại thành vùng sản xuất quy mô tập trung. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả.

Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, việc tạo liền bờ các thửa ruộng, tổ chức lại sản xuất là rất quan trọng. Xây dựng CĐL để tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới vào đồng ruộng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là chủ trương đúng của tỉnh, nhằm xóa bỏ hình thức sản xuất nhỏ lẻ, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại. Mặc dù quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhưng một số nơi vẫn có cách làm sáng tạo, từ đó hình thành những CĐL canh tác các loại cây trồng lợi thế, giá trị kinh tế cao, có sự liên doanh, kiên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Huyện Ninh Phước đi đầu trong xây dựng CĐL sản xuất lúa giống ở vụ hè - thu năm 2017 thành công hơn cả mong đợi, tạo được niềm tin phấn khởi cho nông dân, các thành phần tham gia chuỗi giá trị tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình ở các vụ tiếp theo. Cũng tại thời điểm trên, huyện Bác Ái triển khai CĐL sản xuất mía ở xã Phước Tiến; huyện Ninh Sơn triển khai CĐL sản xuất nho rượu ở xã Mỹ Sơn.

Mô hình cánh đồng lớn ở huyện Ninh Phước đang được nhân rộng
ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: Thanh Long

Qua thực tế triển khai xây dựng CĐL cho thấy, có 3 hình thức dồn điền phổ biến đang được áp dụng hiện nay: Thứ nhất, thông qua hợp tác xã nông nghiệp (HTX), các hộ thống nhất liền thửa sản xuất trên quy mô lớn, cùng sử dụng một loại giống, một quy trình cach tác là cách làm của huyện Ninh Phước trong xây dựng CĐL sản xuất lúa. Thứ hai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sang nhượng đất của nông dân tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, là cách làm của huyện Ninh Sơn trong xây dựng CĐL sản xuất nho rượu ở xã Mỹ Sơn. Thứ ba, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất của nông dân có thời hạn là cách làm của huyện Bác Ái trong xây dựng CĐL sản xuất mía ở xã Phước Tiến. Ba hình thức dồn điền trên về cơ bản là khác nhau, nhưng có điểm chung là cả nông dân và doanh nghiệp, HTX đều có lợi. Tuy vậy, hình thức thông qua HTX liên kết sản xuất trên quy mô lớn là xu thế được nông dân hưởng ứng tích cực, bởi vai trò của chủ sở hữu tư liệu sản xuất (đất nông nghiệp) không bị mờ nhạt. 9 CĐL triển khai trong vụ đông - xuân 2018 diễn ra thuận lợi cho thấy, hiện nay nông dân ý thức được việc sản xuất dựa trên diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, thì lợi nhuận thu được không cao. Bà con muốn gia nhập vào các HTX, liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra ổn định, giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận tăng.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) dồn điền liên kết với doanh nghiệp triển khai
cánh đồng lớn sản xuất bắp giống. Ảnh: V.Nỷ

Nhìn lại quá trình triển khai chương trình xây dựng CĐL để thấy, sau một thời gian lúng túng trong cách thức tổ chức thực hiện, đến nay các địa phương đã tìm được hướng đi phù hợp, đảm bảo lợi ích cao nhất cho nông dân. Tùy vào điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực, các địa phương vận động nông dân linh hoạt lựa chọn một trong ba hình thức dồn điền để đảm bảo quyền lợi của mình. Xác định vai trò quan trọng của HTX trong việc liên kết các thành viên cùng góp đất sản xuất theo mô hình CĐL, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương làm tốt công tác hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của HTX; đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi những thành phần tham gia xây dựng CĐL nhằm tạo đột phá mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.