Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh

(NTO) Nước là tài nguyên quan trọng đối với sản xuất và đời sống nhất là đối với địa phương được đánh giá là khô hạn nhất cả nước như tỉnh ta. Do vậy, việc quản lý, khai thác tài nguyên nước (TNN) một cách tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển môi trường bền vững.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNN, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đẩy mạnh việc thực hiện công tác quy hoạch TNN; điều tra cơ bản TNN và các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước về TNN trên địa bàn tỉnh; rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN theo quy định. Đến nay, Sở TN&MT đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN cho 11 doanh nghiệp với tổng số tiền phải thu trên 1,064 tỷ đồng. Một trong những kết quả nổi bật là công tác kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước được thực hiện khá hiệu quả. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Sở đã triển khai thực hiện việc tổ chức điều tra các nguồn nước thải trên lưu vực sông Cái Phan Rang, kết quả có tổng cộng 23 nguồn nước thải có lưu lượng từ 50 m3/ngày đêm trở lên, trong đó có 8 nguồn nước thải đổ trực tiếp vào sông Cái Phan Rang. Sở hiện đang tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ 8 nguồn nước thải này. Đồng thời, Sở đã hoàn thành việc lắp đặt phần mềm, thiết bị tiếp nhận và quản lý dữ liệu tại Sở từ hệ thống quan trắc nước thải tự động của các cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm.

Hồ Cho Mo ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có dung tích chứa gần 8,8 triệu m3,
cung cấp nước tưới cho trên 1.240 ha đất nông nghiệp.

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc ngành tăng cường các biện pháp thực hiện thu trữ nước trong mùa mưa để sử dụng cho mùa khô và quản lý, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng các công trình, hệ thống khai thác sử dụng nước hiện có, nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát nước. Theo đó, đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống thủy lợi như đập dâng Tân Mỹ, đập hạ lưu sông Dinh, xây dựng hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền, dự án Hồ chứa nước sông Than, các dự án kênh cấp 2, cấp 3 hồ chứa Lanh Ra, hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 hồ chứa nước sông Biêu,... Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi đã tiến hành thực hiện chương trình PIM (chương trình vận hành công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân) trên địa bàn 7 huyện, thành phố. Hiện nay, đã củng cố và thành lập được 58 tổ chức hợp tác dùng nước cho 48 xã, phường có công trình thuỷ lợi do Công ty quản lý, đồng thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và phân cấp công trình thuỷ lợi cho các tổ chức hợp tác dùng nước, địa phương quản lý trên 934,6 km kênh mương và 21.493 ha diện tích tưới. Ngoài ra, các địa phương đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng nước; áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, kỹ thuật tưới tiết kiệm cho cây lúa bằng phương pháp nông lộ phơi, ướt khô xen kẽ...

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia như tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và triển khai các dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận”, với mục tiêu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tiên tiến (tưới phun tầm thấp, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa,...) cho cây táo, cây nho, hành, tỏi, rau xanh,... ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm; “Nghiên cứu ứng dụng Betonite và phân bón lá nano để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm nước tưới nhằm ứng phó với tình trạng khô hạn tại Ninh Thuận và một số tỉnh vùng Nam Trung bộ”; “Ứng dụng khoa học và công nghệ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững trên vùng đất lúa thiếu nước tưới tại tỉnh Ninh Thuận”. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho một số cây trồng chủ lực, khai thác nước ngầm có hiệu quả như: “Nghiên cứu xác định công nghệ tưới tiết kiệm nước, kết hợp sử dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác hợp lý trong điều kiện khô hạn cho cây nho, táo tỉnh Ninh Thuận”; “Nghiên cứu ứng dụng Bentonite để tăng cường giữ ẩm và nâng cao dinh dưỡng cho đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn hán ở tỉnh Ninh Thuận”... Việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đời sống không những góp phần quan trọng giảm khai thác quá mức nguồn nước vốn rất khan hiếm ở nhiều địa phương trong tỉnh mà còn bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch, bền vững.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2018, các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch cấp nước sinh hoạt, phát triển kinh tế đảm bảo an ninh nguồn nước; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu;... Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới như: Thống kê, phân loại nguồn nước, công bố danh mục các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng và danh sách các cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước. Song song với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra các công trình khai thác, sử dụng nước và công tác bảo vệ nguồn nước của các chủ công trình khai thác, sử dụng nước; các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Cái.