Đảm bảo chất lượng các loại hàng thực phẩm trong dịp Tết

(NTO) Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, kèm theo đó là mối lo về an toàn thực phẩm (ATTP).

Tại các chợ, siêu thị, những ngày này, lượng người đến mua sắm đã tăng mạnh. Sôi động hơn cả là tại các gian hàng bán lương thực, thực phẩm, nhất là các gian hàng bánh, mứt, kẹo… Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, tình trạng vi phạm quy định ATTP vẫn còn khá phổ biến. Ghé vào một gian hàng bán bánh, mứt, kẹo tại chợ Phan Rang, chúng tôi nhận thấy, nhiều sản phẩm không có nhãn mác hoặc có nhãn mác nhưng không ghi đầy đủ các thông tin theo quy định như: nơi sản xuất, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng…, tập trung vào các loại mứt, bánh cốm, thèo lèo… Tuy nhiên, với giá rẻ, dễ ăn nên những loại bánh, mứt này rất được nhiều khách hàng lựa chọn. Nhiều loại bánh, kẹo, mặc dù có bao bì, nhãn mác, tuy nhiên lại được xé bỏ hết bao bì, đổ ra bán trong thùng giấy lớn, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm hiểu thông tin sản phẩm. Chị Lê Thị Hương, một khách hàng chia sẻ: Bánh kẹo bị xé bỏ hết bao bì đổ ra thùng bán thế này khiến tôi rất lúng túng, liệu hàng thật, hàng giả, hàng cũ, hàng mới có trộn lẫn hay không. Nhiều loại mứt cũng không có nhãn mác, rất khó để lựa chọn.

Đoàn Thanh tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì tiến hành kiểm tra
các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm.

Không chỉ đối với các mặt hàng bánh, kẹo, mứt, nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến như: nem, chả, cá khô, mực tẩm… nhãn mác cũng rất sơ sài, thiếu thông tin như địa chỉ sản xuất, thành phần… được bày bán khá nhiều…

Nhằm bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra, qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm. Đơn cử như từ ngày 22-1 đến 8-2, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, các xã, phường trên địa bàn thành phố đã tiến hành kiểm tra 218 cơ sở (trong đó có 34 cơ sở dịch vụ ăn uống, 167 cơ sở thức ăn đường phố, 12 cơ sở sản xuất, chế biến và 5 cơ sở kinh doanh thực phẩm); qua đó đã phát hiện 41 cơ sở không đạt yêu cầu, trong đó 35 cơ sở thức ăn đường phố, 4 cơ sở dịch vụ ăn uống và 2 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, tập trung vào các lỗi: cơ sở không có giấy cam kết bảo đảm ATTP; chủ cơ sở, nhân viên không khám sức khỏe định kỳ theo quy định, điều kiện cơ sở sản xuất, chế biến không đảm bảo vệ sinh, không áp dụng theo quy trình một chiều… Đoàn đã nhắc nhở, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính 2 cơ sở với số tiền 1,5 triệu đồng.

Vừa qua, chúng tôi cũng có dịp theo đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán do Sở Công Thương chủ trì đã tiến hành kiểm tra 5 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm gồm: Công ty TNHH Rượu vang Phan Rang; Công ty TNHH SX-TM&DV Ba Mọi; Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ; Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phượng Định. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã phát hiện một số lỗi về thủ tục hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện về bảo quản sản phẩm chưa đảm bảo theo quy định..

Bà Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Y tế sẽ tham mưu với Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh tiếp tục chỉ đạo cho các địa phương, ngành chức năng tăng cường các giải pháp, nhất là thanh tra, kiểm tra, xử phạt; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh. Tuy nhiên, với lượng hàng hóa phục vụ Tết là rất lớn, công tác quản lý của ngành chức năng chỉ đáp ứng phần nào. Quan trọng nhất là người dân phải trở thành người tiêu dùng thông thái, luôn cân nhắc, lựa chọn những mặt hàng bảo đảm chất lượng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trong dịp Tết.