Cần tổ chức tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây nho cho nông dân theo quy trình “4 đúng”

(NTO) Một số hộ trồng nho ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng vì vườn nho bị chết dần sau khi sử dụng không đúng thuốc trừ cỏ BecAno 500 SC, Nimaxon 20SL và thuốc trừ sâu ABASA 755EC để phun trên cây nho. Đáng chú ý, các trường hợp bị thiệt hại đều do sử dụng thuốc BVTV không đúng đối tượng và không đúng đăng ký theo từng loại thuốc.

Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân cần chú ý thực hiện theo quy trình “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) để đảm bảo an toàn cho vườn nho, tránh gây thêm thiệt hại.

Có thể nói, hiện nay tỉnh ta đang hoàn thiện vùng trồng nho tại các địa phương, từ đó tạo lợi thế phát triển cây trồng có giá trị cao, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.191 ha nho đỏ và xanh. Một tồn tại lớn nhất lâu nay đối với người trồng nho đó là lạm dụng thuốc BVTV để phun trên cây nho. Thêm vào đó, vì thiếu vốn sản xuất nên nông dân phụ thuộc rất nhiều vào đại lý bán phân, thuốc BVTV, từ đó dễ đến nông dân “mua gì, đại lý sẽ bán đó” chứ chủ đại lý không khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng phân, thuốc BVTV cho nông dân.

Nông dân thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) phun thuốc trừ sâu trên cây nho.

Ông Phạm Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, cho biết: Sau những vụ sử dụng thuốc BVTV không đúng trên cây nho, hiện nay Chi cục đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo các nhà vườn khi đến đại lý mua thuốc BVTV nên nói rõ đang trồng loại cây nào để tránh nhầm lẫn giữa thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây nho với các loại cây trồng khác và cây đang ở giai đoạn sinh trưởng nào và cần sử dụng loại thuốc BVTV nào là phù hợp. Nếu đại lý giới thiệu một loại thuốc bảo vệ thực vật mới ra có công hiệu tốt mà nông dân chưa yên tâm thì không nên sử dụng ngay mà nên tới các Trạm BVTV hỏi lại cán bộ kỹ thuật để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, đúng cách, vì thuốc BCTV mới dù nằm trong danh mục nhưng không đăng ký đối tượng phòng trừ sâu, bệnh trên cây trồng cụ thể thì không nên sử dụng

“Đối với các loại cây trồng, đặc biệt là cây nho, trong thời kỳ ra hoa và chuẩn bị đậu trái, Chi cục khuyến cáo không sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV nào vì cây nho rất mẫn cảm dễ làm hoa, trái non rụng. Thời kỳ trái nho gần chín phải tuân thủ nguyên tắc cách ly trong sử dụng thuốc BVTV; thời kỳ chuẩn bị thu hoạch không được sử dụng thuốc BVTV, chỉ được sử dụng các loại thuốc sinh học có thời gian cách ly ngắn và phải chú ý thời gian cách ly các loại thuốc khi sử dụng” -Ông Phạm Dũng, cho biết thêm.

Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 159 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Trong thời gian qua, Chi cục đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại các địa phương; sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý, buôn bán thuốc BVTV. Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đang tiếp tục điều tra, phát hiện, dự báo diễn biến tình hình sâu bệnh gây hại trên cây nho và các loại cây trồng khác để tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Sau các đợt tập huấn, Chi cục sẽ vận động các hộ dân tại các địa phương ký cam kết sử dụng đúng thuốc BVTV, đại lý cam kết bán đúng thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép lưu hành ở Việt Nam và đăng ký đúng đối tượng phòng trừ để đảm bảo an toàn cho nông dân khi sử dụng.

Cũng theo ông Phạm Dũng, Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Hằng năm, nhiều lớp tập huấn phòng trừ sâu bệnh và khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa được tổ chức rất nhiều, tuy nhiên đối với cây nho và cây táo thì rất ít, bởi kinh phí rất hạn hẹp. Chi cục mong muốn trong thời gian tới, tỉnh quan tâm cấp thêm kinh phí để mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV trên cây nho và cây táo theo đúng quy trình, tránh gây thiệt hại trong sản xuất.