Ngành Ngân hàng tổng kết nhiệm vụ năm 2017

(NTO) Ngày 23-1, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.

Trong năm 2017, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã tích cực triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, huy động vốn và đầu tư tín dụng phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Đến cuối năm 2017, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 11.011 tỷ đồng, tăng 2.130 tỷ đồng so với năm trước; doanh số cho vay đạt 30.822 tỷ đồng, tăng 4.506 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 27.865 tỷ đồng, tăng 3.875 tỷ đồng. Các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm được triển khai kịp thời, phù hợp với chuyển dịch kinh tế của tỉnh. Công tác tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dung gắn với xử lý nợ xấu thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Triển khai nhiệm vụ năm 2018, ngành Ngân hàng tỉnh xác định tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chủ trương, chính sách về tiền tệ, tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng ổn định và phát triển bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 100% ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoạt động an toàn và tuân thủ đúng quy định pháp luật; tỷ lệ huy động vốn tăng tối thiểu 15%; đầu tư tín dụng tăng từ 20-22%; tỷ trọng đầu tư tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực trọng điểm đạt tối thiểu 85% tổng dư nợ tín dụng, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu đạt dưới 3%.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những đóng góp của hệ thống Ngân hàng tỉnh nhà, nhất là việc đáp ứng vốn kịp thời cho nhu cầu phát triển kinh tế và thực hiện an sinh xã hội địa phương. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần chủ động bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để mở rộng tín dụng, cung ứng vốn đầy đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực, chương trình, chính sách ưu tiên, trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ. Tập trung tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất huy động. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh..., góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.