Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trong năm 2018

(NTO) Năm 2017, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Hướng tới đạt mục tiêu chính của cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, đơn vị chức năng, các địa phương xác định quá trình thực hiện phải bắt đầu từ nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cây trồng cạn. Qua đó, năm 2017 đã triển khai 44 mô hình tưới tiết kiệm nước, với tổng diện tích 355 ha, nâng diện tích tưới trên cây trồng cạn toàn tỉnh lên gần 980 ha, tăng 38,5% so với năm 2016. Nhìn lại hoạt động nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thời gian qua để thấy, từ sự hỗ trợ của đơn vị chức năng, đã tạo điều kiện cho nông dân cải tiến, nâng cấp hệ thống tưới tiết kiệm nước phù hợp với từng loại cây trồng. Đối với cây nho, công nghệ tưới phun mưa tầng lá và tưới nhỏ giọt tầng gốc bảo đảm cung cấp lượng nước cân đối cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng được nông dân áp dụng khá phổ biến. Đặc biệt, nhiều nông hộ đã gắn thêm bộ điều khiển tưới nước tự động bằng điện thoại di động, giảm sức lao động đáng kể...

Huyện Ninh Hải xây dựng vùng sản xuất măng tây xanh tập trung trên đất lúa kém hiệu quả ở xã Xuân Hải.

Sau một năm thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ghi nhận trên địa bàn tỉnh đã phát triển được vùng cây nguyên liệu nho ứng dụng công nghệ cao, kết hợp nông nghiệp hữu cơ, quy mô 22 ha được triển khai tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Vùng sản xuất mía ở xã Phước Tiến, Phước Thắng (Bác Ái) áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, xuống giống, thu hoạch cũng đã tạo bước đột phá mới trong tổ chức lại hình thức sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hiện nay cả nước đang tập trung triển khai quyết liệt. Riêng cách làm ở tỉnh ta có sự linh động, sáng tạo, đó là đã chọn được các loại cây, vật nuôi đặc thù của vùng nắng gió để tập trung đầu tư phát triển. Trong năm qua, ngành chức năng, các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp, qua đó đã chọn một số cây chủ lực, tổ chức sản xuất theo hướng chú trọng liên kết bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, cây mía ở Quảng Sơn (Ninh Sơn) liên kết với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang; măng tây xanh ở An Hải (Ninh Hải) liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận; nho ở xã Thành Sơn, Vĩnh Hải (Ninh Hải) liên kết với Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp nho Thành Sơn. Hoạt động liên kết ngày càng sâu rộng đưa lại lợi ích hài hòa cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị, nhất là nông dân an tâm đầu tư mở rộng sản xuất, tạo ra mặt hàng nông sản dồi dào, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2017 tăng 16,6% so với năm 2016, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn, phù hợp lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phối hợp triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm, như: Hỗ trợ các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh có lợi thế; đánh giá các loại cây trồng có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh và hiệu quả kinh tế cao để bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh. Xúc tiến phát triển các mô hình công nghệ cao, công nghệ hữu cơ trong nông nghiệp; đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đồng thời, hoàn thành và triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, tăng cường các hoạt động kết nối, giới thiệu, quảng bá hàng nông sản sạch, an toàn.