Phước Bình: Vui tết mới

(NTO) Cảm giác xuân năm nay ở vùng cao Phước Bình (Bác Ái) dường như đến sớm hơn mọi năm. Mới đầu tháng 11 âm lịch mà tiết trời đã se lạnh. Sau những cơn mưa nơi thượng nguồn, núi rừng Phước Bình càng đẹp hơn bởi sự khoe sắc của nhiều loài hoa. Trên những cành cây, chồi non cũng đang nảy mầm xanh biếc, báo hiệu mùa xuân mới đã về, mang theo hơi ấm của đất trời, tiếp thêm sức cho người, cho vùng đất Phước Bình ngày càng "thay da đổi thịt".

Nhịp sống nơi thượng nguồn

Cách đây hơn 5 năm, trong lần cùng đoàn công tác của tỉnh về thăm, tặng quà bà con dân tộc Raglai xã Phước Bình, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà lụp xụp lọt nắng gió, bên trong những đứa trẻ “đen nhẻm” đứng nép sau cánh cửa len lén nhìn khách, trên tay cầm bắp thay cơm... Trở lại Phước Bình lần này, đem chuyện đó kể với đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã, anh cười nói: Phước Bình bây giờ đã khác nhiều rồi, nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nên cuộc sống người dân đã khá ổn định.

Để chứng minh cho lời nói của mình, đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa cử anh Đa Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ dân trên địa bàn. Trên đường đến thôn Bậc Rây 1, chúng tôi đã tạt qua các thôn Bố Lang, Gia É. Đứng trên triền dốc nhìn xuống, quả thật xã miền núi Phước Bình hôm nay đã khác xưa nhiều, những con đường đất nhỏ hẹp, chằng chịt cây rừng ngày trước nay đã được bê tông. Hai bên đường nhiều hàng quán mọc lên, người dân mua sắm chuẩn bị đón tết nhộn nhịp, đông vui. Những ngôi trường mới khang trang giữa các thôn vang tiếng ngân nga đọc bài của các em học sinh, tạo nên một khung cảnh vùng quê miền núi thật đầm ấm.

Sau một vòng tìm hiểu cuộc sống của bà con, chúng tôi tiếp tục hành trình đến những thôn còn lại. Vốn là người cởi mở, trên suốt đường đi anh Đa Rót Hà Phước cứ trải lòng: Nếu không hiểu hết về Phước Bình thì không ai có thể biết cuộc sống của người dân thay đổi từ đâu. Bởi lẽ cách đây hơn mười năm về trước, đồng bào mình còn khổ lắm, nhưng từ khi có Chương trình 135 và 30a của Chính phủ chăm lo cho đồng bào dân tộc miền núi thì đời sống của người dân đã khá lên nhiều. Không chỉ thế, Nhà nước còn quan tâm xây dựng đường giao thông, quy hoạch trồng rừng, cấp đất sản xuất cho từng hộ dân phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã đều đạt khá. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm còn 4,48%, trong đó đáng chú ý là có nhiều cán bộ, đảng viên đã gương mẫu đi đầu trong việc làm ăn có hiệu quả để nhân dân địa phương học tập làm theo, tạo nên sinh khí mới cho vùng đất Phước Bình. Đơn cử như ông Pi Năng Phiên, ở thôn Gia É, sau khi được chính quyền xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy, ông đã mạnh dạn đầu tư 30 triệu đồng đào ao, trữ nước, mua máy bơm để chuyển đổi 2 ha cây điều sang trồng 200 gốc bưởi da xanh, hiện nay vườn bưởi của ông đang phát triển tốt chuẩn bị cho thu hoạch.

Nhiều điểm trường học ở xã Phước Bình được xây dựng khang trang.
Trong ảnh: Các em học sinh Trường TH Phước Bình A trên đường đi học về.

Lắng nghe mùa xuân về

Nằm ở thượng nguồn sông Cái, bao đời nay đồng bào Raglai vùng cao Phước Bình luôn bám đất, bám rừng, một lòng theo Đảng. Dù điều kiện phát triển kinh tế không nhiều thuận lợi như các địa phương khác, nhưng người dân vẫn luôn cố gắng vươn lên xây dựng cho mình một cuộc sống mới, tươm tất no đủ hơn. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII đến nay, diện mạo vùng cao Phước Bình đã đổi thay thấy rõ. Từ chỗ chủ yếu độc canh cây bắp, nay bà con đã biết phát huy tiềm năng, thế mạnh đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa để chuyển dần sang trồng một số loại cây mới có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Chỉ tính riêng trong năm 2017, trên đia bàn xã đã có 29 hộ tham gia trồng mới gần 20 ha cây trồng nói trên, nâng tổng diện tích toàn xã lên khoảng 72 ha; trong đó, cây bưởi da xanh chiếm gần 50ha, sầu riêng 17ha, còn lại là cây ăn trái khác, tập trung nhiều ở các thôn Bậc Rây 1, Bậc Rây 2 và Hành Rạc.

Ngoài phát triển những loại cây trồng nói trên, xã Phước Bình còn tập trung đưa cây chuối sứ trở thành cây trồng chủ lực với diện tích gần 650 ha, tăng gần 90 ha so với năm 2014. Bên cạnh đó, địa phương còn phối hợp đầu tư phát triện chuyên canh 500 ha bắp theo hướng liên kết tạo đầu ra ổn định, mang lại thu nhập quanh năm cho người dân. Với tinh thần đổi mới để phát triển, Đảng ủy xã Phước Bình đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến năm 2020, trên cơ sở áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, trong giai đoạn 2018 – 2020, xã phấn đấu mở rộng diện tích cây bưởi da xanh lên 120ha; cây sầu riêng trên 50 ha; cây bơ 25 ha; chôm chôm 20 ha; mãng cầu 10 ha…; đồng thời xây dựng một chợ nông sản tại khu vực thôn Bậc Rây 2 và hỗ trợ 1 cơ sở sấy chuối khô công suất 5 tấn chuối tươi/ngày…

Đến thăm Phước Bình hôm nay, chúng ta mới thấy được sức xuân đang trỗi dậy trên mảnh đất này. Dẫu còn nhiều điều chưa bằng lòng, nhưng qua câu chuyện cách đây gần 2 năm khi người dân địa phương nhường phần gạo cứu đói giáp hạt của Chính phủ cho địa phương khác, càng cho thấy sự no ấm của người dân nơi đây, thể hiện tinh thần chia sẻ với cộng đồng trong những lúc khó khăn. Trong niềm vui chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc, ông Đơngur Hà Cây, thôn Bậc Rây 2 chia sẻ: Thấm thía với cái đói, cái nghèo do tập quán canh tác lạc hậu, vì vậy khi Vườn Quốc gia Phước Bình có chính sách hỗ phát triển loại cây bưởi, gia đình mình mạnh dạn tham gia trồng 150 cây giống trên diện tích 8 sào rẫy. Được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc, đến nay vườn bưởi phát triển tốt đã cho thu hoạch, trung bình mỗi trái từ 1,5-2 kg, được thương lái mua với giá hơn 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình mình thu về trên 30 triệu đồng, nên chuẩn bị đón tết rất vui.

Chuyện làng, chuyện xã giữa tôi với bà con Phước Bình đang hồi sôi nổi, nhưng đã về chiều, đành phải nói lời tạm biệt. Tiễn chúng tôi ra về, anh Đa Rót Hà Phước chỉ tay về phía con đường rộng nói: Nhà báo à, bà con mình mơ có điện, đường to, không phải lội suối nay đã được cả rồi, thế là toại nguyện. Sau cái bắt tay thân mật, tôi rời Phước Bình khi mặt trời vừa khuất sau núi, trước mắt là con đường nhựa uốn lượn như dãi lụa mềm vắt qua sườn núi. Trời chiều, hơi nước từ sông Cái thổi lên nghe hanh lạnh, bất chợt tôi nghe bài hát “Bác Ái mùa Xuân về” vang lên giữa buôn làng, làm xóa tan cái lạnh cuối năm. Hai bên đường ánh điện sáng bừng lên trong từng mái nhà, nhìn những nụ cười tươi nở trên môi chúng tôi tin rằng, một ngày không xa người dân Phước Bình sẽ là những “triệu phú chân đất” thật sự.