Anh Phương Bảo Quyền khởi nghiệp từ mô hình trồng rau sạch

(NTO) Khởi nghiệp bằng tri thức, sức trẻ, đam mê và dám nghĩ, dám làm, anh Phương Bảo Quyền (ảnh) ở thôn Lương Cang 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đã xây dựng và phát triển mô hình trồng rau sạch từ cây măng tây xanh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định được hướng đi đúng đắn.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học loại giỏi ngành Quản lý Môi trường, năm 2013, Phương Bảo Quyền quyết tâm trở về địa phương và được nhận vào làm việc tại UBND xã Nhơn Sơn. Trong quá trình công tác, được tiếp xúc, học hỏi nhiều cách làm hay của nông dân, Quyền bắt đầu hình thành suy nghĩ về phát triển nghề nông theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Sau 2 năm học tập kinh nghiệm, anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc thuê 1,2 sào đất ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) trồng rau chùm ngây sạch và tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, mỗi tháng, vườn rau đem lại thu nhập trên 9 triệu đồng. Cùng lúc đó, với mong muốn đưa măng tây xanh về đất Ninh Sơn, Quyền tiếp tục ươm thử nghiệm giống măng tây xanh UC 800 ngay tại vườn. Bằng niềm đam mê và sự lựa chọn của bản thân, Quyền quyết định thôi việc ở địa phương về nhà dành toàn tâm, toàn ý vào mô hình sản xuất mới: thay thế toàn bộ rau chùm ngây bằng măng tây xanh.

Được hỏi về lý do khởi nghiệp từ sản xuất rau sạch và quyết định lựa chọn măng tây xanh để phát triển, Quyền chia sẻ: Theo tìm hiểu của tôi thì hiện nay thị trường rất ưa chuộng mặt hàng nông sản sạch, khi tìm được đầu ra ổn định, thì chỉ yên tâm sản xuất. Tuy trồng rau hữu cơ khó vì tốn công ủ đất, chăm sóc, nhưng đổi lại chất đất ít bị hoang hóa cũng như vừa tốt cho sức khỏe người trồng lại tốt cho người tiêu dùng và môi trường....Song song đó, khi nắm rõ được nguyên lý trồng măng tây xanh không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên tôi không ngần ngại để thử sức.

Điều đặc biệt khi chúng tôi đến thăm vườn măng tây xanh của Quyền chính là hệ thống đường ống nhựa dẫn nước, cũng như cách sắp xếp thửa trồng đều được Quyền thiết kế, sáng tạo theo cách riêng để tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như đảm bảo cho cây phát triển tốt nhất. Chính vì vậy, trên 1,2 sào măng tây xanh, Quyền chỉ đầu tư khoảng 8 triệu đồng, tiết kiệm hơn 7 triệu đồng so với những mô hình trồng măng tây xanh nơi khác. Trung bình mỗi ngày, Quyền thu được 15 kg măng tây xanh, trong đó loại I chiếm hơn 70% (giá bán loại I: 85.000 đồng/kg và loại II: 75.000 đồng/kg). Sau 2 tháng thu hoạch, trừ chi phí, Quyền có thu nhập trên 50 triệu đồng từ mô hình.

Ông Phan Minh Hòa, Trạm Khuyến nông huyện Ninh Sơn cho biết: Vào năm 2014, huyện Ninh Sơn triển khai trồng thử nghiệm măng tây xanh trên diện tích 1 ha cho 4 hộ, tuy nhiên, do đầu ra sản phẩm chưa ổn định cũng như hiệu quả kinh tế không đạt nên mô hình đã dừng hẳn. Trong khi đó, với kiến thức vững về nông nghiệp cùng sự nhạy bén khi tự tìm được đầu ra cho sản phẩm, Quyền đã xây dựng mô hình rau sạch từ măng tây xanh là cây trồng chính, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Với khát vọng đưa cây măng tây xanh phát triển tốt trên đất Ninh Sơn, cũng như tạo ra chuỗi sản phẩm rau sạch cung ứng cho thị trường như: rau cải, chùm ngây… Hiện nay, Quyền tiếp tục nhân rộng thêm 5 sào để phát triển mô hình trồng rau sạch, qua đó, tự khẳng định được sức trẻ và nhiệt huyết của bản thân khi lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.