Triển vọng mô hình “trồng tre lấy măng” ở xã Phước Kháng

(NTO) Thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương, từ tháng 11-2017, UBND xã Phước Kháng (Thuận Bắc) đã triển khai mô hình “trồng tre lấy măng” với vốn đầu tư 300 triệu đồng từ ngồn vốn Chương trình 135. Người dân tích cực tham gia, đến nay khoảng 80% diện tích tre thuộc dự án đang phát triển tốt. Nếu mô hình thành công, hứa hẹn sẽ tăng thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Xã Phước Kháng có địa hình chủ yếu là đồi núi đất đá nên khó khăn phát triển các loại cây trồng. Qua khảo sát, chính quyền địa phương xác định tre là loại cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Trước khi triển khai, xã đã tổ chức cho một số người dân tham quan mô hình “trồng tre lấy măng” tại xã Phước Đại, Phước Tiến (Bác Ái) và mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tre. Giống tre được chọn thực hiện mô hình là tre Điền Trúc với những ưu điểm như dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, cho năng suất cao. Khi trồng, bà con được cung ứng 100% giống, phân bón, liên kết với Công ty TNHH Phương Thảo bao tiêu sản phẩm. Theo đó, xã đã vận động được 50 hộ tại 3 thôn: Đá Liệt, Cầu Đá và Đá Mài Trên tham gia trồng tập trung tại vùng đất làng Cầu Đá cũ, với tổng diện tích 16 ha, gồm 8.000 gốc tre.

Ông Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, cho biết: Sau khi vận động, nhiều hộ dân đồng ý trồng. Điểm thuận lợi là khi tham gia mô hình, các hộ dân được Công ty TNHH Phương Thảo (Ninh Thuận) bao tiêu sản phẩm “bảo hành” tre trồng đến khi thu hoạch, nếu có rủi ro công ty có trách nhiệm hỗ trợ lại số gốc tre đã chết. Là một trong những hộ dân tham gia mô hình, ông Katơr Tình, thôn Đá Mài Trên chia sẻ: Được xã vận động, tôi đã tham gia trồng 4 sào, với 200 gốc tre và trồng đúng theo hướng dẫn của cán bộ. Thời gian đầu, tre phát triển khá tốt, trong quá trình trồng có một vài gốc tre bị chết, sau đó công ty đã hỗ trợ gốc tre cho gia đình tôi trồng lại.

Trong quá trình trồng, có một số gốc tre bị thiệt hại nhưng không đáng kể. Để mô hình thực hiện tốt, trong thời gian tới, xã cùng các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, cấp bù số gốc tre đã chết để chủ hộ trồng lại theo đúng diện tích đăng ký. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn chủ hộ cách chăm sóc để đảm bảo cho tre phát triển tốt.

Tre trồng sau 3 năm có thể thu hoạch măng tươi với giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg và cho thu nhập thường xuyên. Ngoài thành phẩm măng tre, người dân có thể sử dụng thân tre để làm nguyên liệu đan lát. Đây là loại cây trồng hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con xã Phước Kháng tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương.