Nhật ký Hải trình “Trường Sa thân yêu”

Những anh nuôi trên tàu KN490

(NTO) Không như ở đất liền, những “anh nuôi đầu bếp” trên những chuyến tàu đi Trường Sa đầy sóng gió quả thực nhiều khó khăn, vất vả. Trên hành trình đến với những đảo phía Nam quần đảo Trường Sa, anh nuôi trên tàu KN 490 như là những người lính thầm lặng, phục vụ tận tụy, chu đáo bữa ăn cho các thành viên trên tàu.

Chuyến đi lần này của tàu KN 490 có khoảng 300 người, gồm lãnh đạo Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và phóng viên báo, đài Trung ương và địa phương cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ trên các đảo. Theo quy định về khẩu phần ăn, các anh nuôi phục vụ ba bữa một ngày, gồm bữa sáng, bữa trưa và tối. Mỗi bữa ăn đều ấn định giờ giấc cụ thể của quân đội nên không thể chậm trễ, vì thế các anh nuôi trên tàu tranh thủ làm việc luôn tay từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm, phục vụ gần 1.000 suất ăn mỗi ngày. Là một anh nuôi dày dặn kinh nghiệm với thâm niên gần 20 năm phục vụ nấu ăn cho bộ đội hải quân, từng tham gia hàng trăm chuyến tàu ra đảo, bếp trưởng Lê Công Tuấn ở Cam Lâm, Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Những người phục vụ bếp ăn trên tàu được tuyển chọn từ những người đã từng nấu ăn ngon ở trên bờ, là nam, có sức khỏe tốt, chịu được sóng biển. Trong số 15 người phục vụ trên tàu hiện nay có 3 đầu bếp chính đã từng học tập qua các lớp đầu bếp, có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị đồ dùng nhà bếp trên tàu. Theo quy định, các món ăn hàng ngày phải có sự thay đổi, phải đảm bảo các món ăn chính như rau, thịt, cá. Trong điều kiện sóng gió bất thường, việc bảo quản thực phẩm khi công tác dài ngày sao cho đảm bảo tươi ngon, bổ dưỡng chất lượng là rất cần thiết. Với tàu KN 490, bếp ăn trên tàu được trang bị các thiết bị máy móc tương đối hiện đại, tiện nghi như kho lạnh để bảo quản thực phẩm. Nếu như trước đây chỉ có thùng đá chứa thịt, nay có cả kho lạnh để bảo quản nên rau xanh có thể để dành ăn được đến mười ngày, so với trước chỉ có hai ngày đầu, sau đó phải chuyển sang ăn củ quả. Bếp nấu bằng điện thay cho dầu nên đảm bảo an toàn cháy nổ, khi gió không làm tắt bếp. Trong bếp còn sử dụng được cả lò vi sóng, lò nướng, lò hơi. Anh Tuấn cho biết thêm: Nấu nướng trên tàu cho một hành trình dài cần nhất là phải chú trọng từ khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào bảo đảm chất lượng, sau đó là khâu bảo quản thực phẩm để khỏi bị hỏng, trong chế biến thực phẩm phải bảo đảm an toàn.

Anh nuôi nấu ăn trên tàu KN 490.

Nếu trong điều kiện thời tiết bình thường, việc nấu ăn trên tàu diễn ra khá thuận lợi, nhưng vào những ngày biển động, tàu lắc lư liên tục, việc nấu ăn gặp rất nhiều khó khăn. Tận mắt chứng kiến các anh nuôi làm việc trong những ngày biển động mới hiểu hết những cực nhọc của các anh. Có đầu bếp trẻ vừa tỉnh dậy sau cơn say sóng đã vội lao vào bếp rửa rau, nấu thức ăn, vừa lau mồ hôi, vừa làm việc. Đầu bếp Nguyễn Ngọc Anh, quê Thanh Hóa mới biên chế lên tàu làm việc 3 tháng. Chuyến đi biển này là lần đầu tiên anh biết thế nào là say sóng do biển động. Vừa nhanh tay làm việc, anh tranh thủ tâm sự: Các anh em trên tàu động viên nên dậy đi lại làm việc cho quen sóng gió. Do xác định gắn bó lâu dài với công việc này nên tôi phải gắng sức thêm. Nếu không làm thì các anh em trên tàu phải làm thay việc của mình, thêm vất vả.

Trong điều kiện biển động, tàu lắc lư, các nồi nấu phải chằng buộc dây thép vào thành bếp để không bị đổ, nồi nấu phải lớn hơn bình thường và phải xoay trở để cơm và món ăn được chín đều. Những ngày biển động, món ăn thường đơn giản, việc nấu ăn trong những ngày sóng gió cực lớn phải ưu tiên những món luộc, cháo hoặc thậm chí là ăn mì tôm. Anh Nguyễn Văn Giang, đầu bếp phó trên tàu cho biết: Có hôm sóng gió dữ dội, nồi cơm liên tục nghiêng từ bên này sang bên kia, nồi canh đang sôi trên bếp gặp lúc tàu chòng chành có thể đổ ụp vào người bất cứ lúc nào, nếu không cẩn thận rất dễ bị bỏng, lại còn mất bữa ăn. Có hôm vừa bày đồ ăn lên trên bàn, gặp lúc có sóng lớn, toàn bộ đồ ăn đổ xuống, bát đĩa hỏng hết, phải đi nấu lại nồi khác.

Tuy vất vả nhưng các anh em phục vụ trên tàu đều rất tận tình. Khi trên tàu có ai bị say sóng không thể xuống phòng ăn cơm, các anh lại nấu cháo phục vụ. Bếp trưởng Lê Công Tuấn tâm sự: Nấu ăn trong thời tiết sóng gió chúng tôi không lo bằng việc nấu xong anh em ăn không ngon hoặc bỏ ăn. Hôm nào thấy mọi người ăn hết khẩu phần, chúng tôi vui lắm.

Đi công tác Trường Sa trong mùa biển động, cánh phóng viên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng so với những người lính đảo hay các anh nuôi trên tàu KN 490, chúng tôi thấy những vất vả của mình chẳng bõ bèn gì. Chúng tôi thêm khâm phục những con người với ý chí mạnh mẽ, quyết tâm cao. Chính những đóng góp tưởng chừng đơn giản của các anh nuôi trên tàu đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.