Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế về phát triển măng tây xanh

(NTO) Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế hàng đầu về phát triển măng tây xanh, đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất, chế biến loại cây có giá trị kinh tế này. Ngành Nông nghiệp cũng chọn măng tây xanh là loại cây trồng đặc thù, khuyến khích nông dân đưa vào sản xuất ở những vùng nằm trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Huyện Thuận Nam mở rộng diện tích trồng măng tây xanh ở xã Phước Ninh.

Năm 2017, đánh dấu bước phát triển mới khi doanh nghiệp có sự đầu tư mạnh vào trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, tạo bước đột phá mới trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Lý do doanh nghiệp lựa chọn tập trung đầu tư vì họ sớm nhìn nhận được không có nơi nào trồng măng tây xanh thuận lợi như ở tỉnh ta. Tại các hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn, ông Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh: Đầu ra sản phẩm măng tây xanh là rất lớn, mặc dù năm 2017 diện tích trồng mằng tây tăng thêm 80 ha, nhưng mỗi ngày chỉ thu được khoảng 2 tấn, mới đáp ứng 15% nhu cầu của thị trường trong nước.

Khi đời sống của người dân được nâng cao, kéo theo nhu cầu sử dụng rau cao cấp, rau sạch, nhất là măng tây xanh giàu chất dinh dưỡng sản xuất tại Ninh Thuận dễ dàng bán được giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định nhiều năm nay và có dấu hiệu nhích dần lên, tạo niềm tin để nông dân an tâm đầu tư sản xuất. Ngoài 2 vùng trồng tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước), phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), hiện nay, diện tích măng tây xanh còn được mở rộng ra nhiều địa phương khác như xã Phước Ninh (Thuận Nam), Xuân Hải (Ninh Hải), Bắc Phong (Thuận Bắc)…

Quyết tâm của nông dân và doanh nghiệp rất cao, thể hiện trong việc liên kết để khai thác triệt để tiềm năng đất đai ở từng vùng, từng khu vực phát triển măng tây xanh. Về phía nông dân, sử dụng mọi biện pháp cải tạo đất mở rộng diện tích sản xuất. Đơn cử như cách làm sáng tạo của anh Trần Quốc Tĩnh ở thôn An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải) dùng đất cát phủ lớp mỏng trên chân ruộng lúa kém hiệu quả trồng măng tây xanh cho thu nhập cao. Từ thực tế sản xuất, có thể khẳng định, trong khó khăn nông dân có thể biến bất lợi thành có lợi. Về phía doanh nghiệp, mạnh dạn đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ sản xuất măng tây xanh, tạo thành mối liên kết chặt chẽ. Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận có tham vọng cùng với nông dân xây dựng tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất măng tây xanh của cả nước. Khởi đầu cho mục tiêu này là doanh nghiệp sẽ xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ măng tây xanh trong năm 2018, nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Vấn đề doanh nghiệp đang lo là nguyên liệu đầu vào cho nhà máy. Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho hay: Khi đi vào hoạt động, mỗi tháng nhà máy cần 120 tấn măng tươi để sản xuất 10 tấn trà, với sản lượng thu được như hiện nay không cung cấp đủ cho nhà máy hoạt động. Doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh sớm quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích măng tây xanh. Đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó, ưu tiên hỗ trợ nông dân trồng mới, phấn đấu nâng diện tích măng tây xanh 700 ha hiện nay lên 1.000 ha vào năm 2020.