Khó khăn trong sản xuất rau an toàn

(NTO) Khi những bất cập về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng báo động thì những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như rau an toàn (RAT) luôn được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Tuy nhiên hiện nay việc sản xuất RAT trên địa bàn tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển diện tích và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Quang Khiết, thành viên Hợp tác xã Rau an toàn và Dịch vụ tổng hợp Văn Hải chăm sóc rau vụ Tết.

Mặc dù mới đưa vào áp dụng vài năm gần đây nhưng mô hình trồng RAT bước đầu tạo ra bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn. Tính đến nay, ngoài Hợp tác xã (HTX) RAT và Dịch vụ tổng hợp Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), toàn tỉnh đã thành lập một số tổ sản xuất RAT tại các thôn: Tuấn Tú, Nam Cương (xã An Hải, Ninh Phước); Ninh Quý (xã Phước Sơn, Ninh Phước); Hộ Hải, An Xuân 3 (xã Xuân Hải, Ninh Hải); phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)… với tổng diện tích gần 200 ha. Nhìn chung, nông dân tỉnh ta dần ý thức được tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, ngày càng thành thạo các quy trình sản xuất theo hướng VietGAP.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của người trồng rau hiện nay là thị trường tiêu thụ RAT chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Theo thống kê, với sản lượng RAT mỗi năm đạt khoảng 2.000 tấn nhưng chỉ khoảng 10% sản lượng RAT được các doanh nghiệp, siêu thị hợp đồng thu mua, số còn lại được bán cho các chủ vựa, tiểu thương chợ đầu mối đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hoặc nông dân tự tiêu thụ. Số lượng HTX sản xuất rau, đặc biệt là số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP còn quá ít so với diện tích sản xuất rau hiện có. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng chưa có quy hoạch và hình thành mạng lưới vận chuyển xử lý, phân loại, đóng gói, tiêu thụ và tiếp thị mở rộng thị trường; việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất của các HTX còn nhiều khó khăn.

Được xem là vựa rau sạch lớn của tỉnh nhưng HTX RAT và Dịch vụ tổng hợp Văn Hải cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Với diện tích khoảng 10 ha, mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn rau, củ quả các loại. Tuy nhiên chỉ khoảng 1 tạ rau được Siêu thị Co.opmart Thanh Hà thu mua, số còn lại bán cho các thương lái như các loại rau thông thường khác. Việc “bí” đầu ra, khiến nông dân không còn mặn mà với sản xuất rau sạch, dẫn đến khó khăn trong quá trình phát triển diện tích RAT. Ông Lê Quang Khiết, thành viên HTX RAT và Dịch vụ tổng hợp Văn Hải chia sẻ: Với 2 sào đất, trước đây gia đình chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như cải, ngò, tần ô, quế… nhưng khi bán cũng bằng với giá rau thường thậm chí khó bán hơn do không bắt mắt như rau ở chợ. Năm nay, tôi dành 1 sào đất nhận thêm dịch vụ đúc giống cho nông dân địa phương và trồng xen thêm các loại hoa bán trong dịp Tết Nguyên đán để kiếm thêm thu nhập.

Việc RAT trở nên “yếu thế” hơn so với các loại rau thường một phần do khâu quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ thiếu chặt chẽ, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là RAT, đâu là rau thường. Công tác tuyên truyền về các thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng chưa được chú trọng đúng mức. Mặc dù muốn lựa chọn, sử dụng sản phẩm RAT, nhưng chính người tiêu dùng cũng chưa trang bị kiến thức cho chính bản thân làm thế nào nhận diện được RAT và rau không an toàn; tâm lý muốn mua rau đẹp, xanh mướt, giá rẻ nên dễ bị nhầm lẫn. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để tháo gỡ bài toán đầu ra cho RAT rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhằm liên kết với nông dân sản xuất RAT; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu RAT cho các vùng sản xuất. Từng bước thực hiện Quyết định 65/2017/QĐ-UBND về Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 hình thành 30 vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP.