Thế giới trong tuần

 1. Trong tuần, thông tin rất đáng chú ý, đó là lãnh đạo châu Âu khẳng định không thay đổi quan điểm về Jerusalem. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tối 14-12, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, đồng thời khẳng định quan điểm của EU là quy chế của thành phố này phải được giải quyết thông qua đàm phán. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết lãnh đạo EU khẳng định cam kết của mình về giải pháp hai nhà nước, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của EU về Jerusalem là không thay đổi trong bối cảnh hiện nay. Tuyên bố của các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước EU chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump đã làm đảo lộn 7 thập kỷ chính sách của Mỹ về Jerusalem và kéo theo sự phản kháng mạnh mẽ trong toàn thế giới Hồi giáo. 

Thời gian qua, chính quyền Mỹ đã vấp phải nhiều chỉ trích vì quyết định chính thức thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và phớt lờ quan điểm của Palestine về thành phố này. 

Tuần trước, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã cảnh báo quyết định của Mỹ có thể làm cho tình hình Trung Đông vốn đã u ám sẽ càng trở nên đen tối hơn. Trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu diễn ra tại Brussels ngày 11-12, bà Federica Mogherini đã thẳng thừng từ chối gợi ý của nhà lãnh đạo Israel về việc châu Âu theo quan điểm Washington về vấn đề Jerusalem. EU từ lâu vẫn ủng hộ quan điểm cho rằng hòa bình chỉ đạt có thể được thông qua giải pháp cùng tồn tại hai nhà nước Israel và Palestine, trong đó Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine và một đường biên giới được tính theo thực trạng trước chiến tranh Israel với các nước Arab xảy ra năm 1967. 

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nhiều quốc gia sẽ mở đại sứ quán tại Đông Jerusalem, sau khi các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine. Ông Cavusoglu nhấn mạnh rằng việc công nhận Nhà nước Palestine là hoàn toàn phù hợp với các quyết định của Liên hợp quốc.  Ông khẳng định các nước thành viên OIC sẽ đấu tranh để Đông Jerusalem được công nhận là thủ đô của Palestine cũng như sẽ nỗ lực bằng mọi giá để Mỹ rút lại quyết định coi Jerusalem là thủ đô của Israel. 

2. Thông tin cũng rất đáng quan tâm là mới đây Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis cho biết London sẽ không thực hiện các cam kết tài chính đã thỏa thuận trong tuần qua với Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này không đảm bảo một thỏa thuận thương mại để áp dụng sau khi Anh rời EU, còn gọi là Brexit. 

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Davis tuyên bố “không có thỏa thuận sẽ không thanh toán tiền”, đồng thời nhấn mạnh việc thanh toán chi phí Brexit sẽ “phụ thuộc vào một kết quả về thương mại”. Theo một trong các nội dung được đưa ra trong thỏa thuận dài 15 trang vừa được hai bên ký kết hôm 8-12, Anh sẽ trả 35-39 tỷ bảng Anh (47-52 tỷ USD) cho “hóa đơn ly hôn” vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, Bộ trưởng Davis khẳng định đây chỉ là “một tuyên bố về ý định” chứ không “có ràng buộc pháp lý phải thi hành”. 

Tuyên bố trên của ông Davis đi ngược lại với một phát biểu trước đó của Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond về việc này. Trong một phiên họp của một Ủy ban Quốc hội, ông Hammond khẳng định nếu không thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, Anh sẽ “không còn là một đối tác đáng tin cậy cho các thỏa thuận quốc tế trong tương lai”. 

Tuyên bố của ông Davis đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ireland. Người đứng đầu văn phòng phụ trách công tác tổ chức của Chính phủ Ireland, ông Joe McHugh khẳng định: “Ireland và EU sẽ buộc Vương quốc Anh phải thanh toán”. Ông nhấn mạnh rằng đây là “một thỏa thuận có tính ràng buộc, một thỏa thuận về nguyên tắc”.  

3. Một hệ mặt trời mới với 8 hành tinh giống như hệ Mặt Trời của chúng ta vừa mới được phát hiện nhờ sự hỗ trợ của kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và chương trình phân tích của trí thông minh nhân tạo do Google phát triển. 

Trong một thông báo ngày 14-12, NASA cho hay hệ mặt trời mới có 8 hành tinh và là hệ mặt trời lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay. Hệ sao mới xoay quanh một ngôi sao có tên gọi là Kepler 90, cách Trái Đất 2.545 năm ánh sáng. Theo mô tả của nhà thiên văn học Andrew Vanderburg thuộc Đại học Texas, hệ sao Kepler 90 là phiên bản thu nhỏ của hệ Mặt trời. Các hành tinh trong hệ Keplep 90 có cách sắp xếp tương tự các hành tinh hệ Mặt Trời với những hành tinh nhỏ quay gần sao chủ và hành lớn hơn nằm ở khoảng cách xa hơn. 

NASA cũng phát hiện một hành tinh thứ 8 trong hệ sao Kepler 90 có tên Kepler-90i. Đây là hành tinh nhỏ nhất trong hệ, có cấu tạo bằng đá giống như Trái Đất và có kích thước lớn hơn Trái Đất khoảng 30%. Tuy nhiên, do nằm gần với Mặt Trời, thời gian quay quanh quỹ đạo của Kepler -90i tương đối ngắn, chỉ trong 14,4 ngày, tương đương với 2 tuần trên Trái Đất. Ông Vanderburg cho rằng tuy có nét giống Trái Đất, song Kepler -90i không phải là nơi muốn đến bởi bề mặt của Kepler -90i có nhiệt độ rất nóng. Theo tính toán của NASA, nhiệt độ trung bình của hành tinh này lên tới 430 độ C, nóng tương đương như sao Thủy, hành tinh gần Mặt Trời nhất. 

Ông Vanderburg gọi phát hiện mới này là kỳ thú đồng thời cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp việc phân tích khối dữ liệu khổng lồ trong kính viễn vọng Kepler dễ dàng hơn.