Lợi ích khi tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV phụ nữ mang thai

(NTO) Khi phụ nữ mang thai, phát hiện nhiễm HIV càng sớm và thực hiện can thiệp dự phòng lây truyền từ mẹ con ngay từ đầu thai kỳ sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, thì nguy cơ lây truyền HIV cho con chỉ còn dưới 5%, ngược lại, nếu không điều trị dự phòng, khả năng lây truyền HIV cho con là từ 25-40%.

Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, vi-rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV) hoặc do sự trao đổi máu mẹ-thai nhi khi chuyển dạ (ở giai đoạn này các cơn co tử cung của mẹ có thể “bơm mạnh” máu mẹ chứa HIV vào tuần hoàn của thai nhi làm cho trẻ dễ bị nhiễm HIV từ mẹ); 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...). Việc can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong thời kỳ trước sinh, trong khi sinh và sau sinh sẽ làm giảm số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ, cụ thể như:

Can thiệp trước khi sinh xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng thuốc ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Can thiệp trong khi sinh với những phụ nữ chưa tiếp cận với các biện pháp can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hướng dẫn, tránh các can thiệp như bấm ối, forcep, cắt tầng sinh môn… Cân nhắc chỉ định mổ lấy thai, nhanh chóng và can thiệp sau khi sinh là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú. Tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế nếu có điều kiện. Trường hợp không có điều kiện sử dụng sữa thay thế, cần hướng dẫn người mẹ cho bú hoàn toàn trong thời gian đầu, sau đó cai sữa sớm chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ, ngoài ra trẻ cần được theo dõi và điều trị ARV.

Để bảo vệ thế hệ tương lai khỏi căn bệnh thế kỷ, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của mình về đại dịch HIV/AIDS; mỗi cặp vợ chồng khi có kế hoạch sinh con cần tự nguyện tham gia thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS. Phụ nữ bị nhiễm HIV khi có dấu hiệu mang thai nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và quản lý thai nghén kịp thời. Ngay cả những phụ nữ chưa xác định tình trạng nhiễm HIV của mình, khi mang thai cũng cần đến các cơ sở y tế xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để được tư vấn về cách phòng tránh lây nhiễm.