Công điện Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:

Triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 14 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, dự bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta, ngày 18-11, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 4842/CĐ-UBND về việc triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 14 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Sáng sớm nay (18/11) sau khi đi vào khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 14.

Hồi 05 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa-Bình Thuận khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km đi vào khu vực Nam Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 04 giờ ngày 20/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Cam pu chia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm mai (19/11) vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định trở vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11-12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận cảnh báo: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão từ đêm nay và sáng sớm mai (19/11) vùng biển Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11-12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ đêm nay (ngày 18/11) tỉnh Ninh Thuận nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm; riêng khu vực huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc khả năng lượng mưa cao hơn.

Cần chú ý với lũ, lũ quét, sạt lở đất trên các lưu vực sông suối; đề phòng ngập úng sâu ở vùng trũng thấp.

Đề nghị thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên Biển Đông theo dõi các bản tin tiếp theo để có kế hoạch phòng tránh.

Để chủ động ứng phó với cơn bão trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Khai thác các Cảng cá và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển:

- Nghiêm túc thực hiện Công điện số 4840/CĐ-UBND ngày 17/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác ứng phó với ATNĐ, có khả năng mạnh lên thành bão trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ sáng ngày 18-11-2017; thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú bão trong tỉnh và ngoài tỉnh; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền hợp lý, chắc chắn, tránh va đập, kiên quyết không để người dân nào ở lại trên tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; công việc hoàn thành trước 21 giờ 00 phút ngày 18/11/2017;

- Giao UBND các huyện, thành phố ven biển khẩn trương rà soát, kiểm tra dân cư sống tại vùng ven biển, vùng cửa sông, lồng bè nuôi trồng thủy sản để có phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho người. Đồng thời tổ chức lực lượng xung kích tuyên truyền vận động và hỗ trợ nhân dân khu vực ven biển tổ chức chằng chống nhà cửa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào bờ. Tất cả các công việc phải hoàn thành trước 21 giờ 00 phút ngày 18/11/2017;

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

2. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan biết, chủ động chỉ đạo ứng phó.

3. Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để xử lý thông tin kịp thời và thông báo thường xuyên cho tàu thuyền chủ động phòng tránh.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, tăng cường thời lượng phát sóng giúp các cấp chính quyền, người dân nắm được thông tin về diễn biến của bão để chủ động các biện pháp ứng phó.

5. Yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.