Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bác Ái: Thực hiện hiệu quả chính sách cho vay

(NTO) Bác Ái là huyện miền núi đặc biệt khó khăn thuộc 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Kết quả điều tra vào cuối năm 2016, toàn huyện có 6.877 hộ dân/29.468 nhân khẩu, sống tập trung ở 38 thôn thuộc địa bàn 9 xã; trong đó có 3.585 hộ/16.712 nhân khẩu thuộc diện nghèo (theo chuẩn mới), chiếm 52,13% và 950 hộ/4.130 nhân khẩu thuộc diện cận nghèo, chiếm 13,81%. Để giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, ngoài việc tranh thủ có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án để lồng ghép đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế..., huyện Bác Ái còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện tạo điều kiện cho hàng chục ngàn lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn đầu tư chăn nuôi bò, phát triển sản xuất..., mở ra nhiều hướng làm ăn mới.

Ông Châu Văn Vé, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái cho biết: Qua 15 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi, toàn huyện có trên 23.894 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, qua đó đã giúp cho hơn 7.200 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Ngoài ra, nguồn vốn của NHCSXH còn giúp cho hơn 360 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 86 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; 1.535 hộ vay vốn xây dựng nhà ở… Riêng trong 10 tháng năm 2017, đơn vị tiếp tục tạo điều kiện cho 1.710 lượt khách hàng được vay, với số tiền trên 40,467 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến nay lên hơn 134,46 tỷ đồng, tăng 11,995 tỷ đồng so với cuối năm 2016 và đạt 97,4% kế hoạch.

 
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân Bác Ái đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: Hồng Lâm

Nhờ thực hiện tốt chính sách cho vay, đến nay nguồn vốn tín dụng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái không ngừng được tăng trưởng. Tính đến ngày 31-10, tổng nguồn vốn tín dụng của đơn vị đạt 137,917 tỷ đồng, tăng 12,450 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng nguồn vốn huy động tại địa phương, từ đầu năm đến nay, đơn vị thực hiện được trên 5,8 tỷ đồng. Trong đó, huy động thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) gần 1,8 tỷ đồng, đạt 81,3% kế hoạch; huy động tại điểm giao dịch xã 1,123 tỷ đồng, đạt 138,1%; huy động từ tổ chức, các nhân theo lãi suất thị trường gần 3 tỷ đồng, đạt 147,1%. Từ nguồn vốn huy động được và vốn ngân sách phân bổ, hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của các đối tượng theo quy định.

Qua đánh giá, đến cuối tháng 10-2017, trên địa bàn huyện Bác Ái có 112 tổ TK&VV từ NHCSXH đang hoạt động. Đáng mừng là đa số các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích. Nhiều hộ từ chỗ nghèo khó, đến nay đã vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình chị Katơr Thị Xoa ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại, trước đây kinh tế khó khăn, mỗi năm nhờ vào hỗ trợ cứu đói từ 2-3 tháng. Năm 2005, chị được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng. Từ số vốn được vay, gia đình đầu tư mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả, năm 2008, chị đã trả hết nợ cũ và tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để nuôi bò gầy đàn. Khi đàn bò phát triển lên được 11 con, năm 2010, chị rút bán bớt để trả nợ ngân hàng và xây được ngôi nhà khang trang. Hay như chị Katơr Thị Nhung ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, năm 2003 được vay 25 triệu đồng từ NHCSXH, chị đầu tư mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò của chị đã phát triển lên được 10 con. Vừa qua, chị đã rút bán bớt 4 con để mua thêm 5 sào đất ruộng, mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa, năng suất đạt 5,5 tạ/sào. Ngoài ra, gia đình chị còn có 2 ha đất rẫy chuyên trồng bắp, đậu xanh, nhờ đó, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị có thu nhập từ các mô hình trên khoảng 60 triệu đồng.

Từ thực tế hoạt động tín dụng trên địa bàn, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái xác định từ nay đến cuối năm tập trung bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016–2020 và các chương trình cho vay mới để chủ động tham mưu Ban đại diện–Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Đặc biệt, để tránh tình trạng bà con sử dụng vốn sai mục đích, Ban đại diện–Hội đồng quản trị NHCSXH huyện yêu cầu chính quyền các xã, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác bình xét đối tượng chính xác, trên cơ sở công khai, dân chủ có sự bàn bạc thống nhất từ Ban quản lý thôn và sự tham gia của nhân dân. Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện còn phối hợp UBND các xã, Ban Quản lý các thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp thu hồi nợ; cử cán bộ phụ trách địa bàn xuống cơ sở hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn cho các Tổ TK&VV; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật để các hộ dân đầu tư đồng vốn có hiệu quả, nhằm hạn chế các thiếu sót về hoạt động cho vay, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.