Nông dân Lương Sơn khẩn trương vào vụ kiệu Tết

(NTO) Những năm gần đây, bên cạnh nguồn lợi chủ lực từ cây lúa, nông dân xã Lương Sơn (Ninh Sơn) còn đầu tư phát triển nghề trồng kiệu-một loại hoa màu mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể. Để kịp phục vụ Tết Nguyên đán, cuối tháng 6, đầu tháng 7 (Âm lịch), các hộ trồng kiệu đã bắt đầu xuống giống, năm nay, thời tiết khá thuận lợi, người trồng kiệu hy vọng vào một vụ mùa bội thu.

Hiện nay, tại địa phương kiệu được xem là cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế khả quan cho nông dân, do đó mỗi năm diện tích trồng kiệu lại dần được mở rộng. Ông Đỗ Như Lanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, cho biết: Đất ở hai thôn Tân Lập 1 và Tân Lập 2 chiếm phần lớn là loại đất pha cát, sỏi rất thích hợp để trồng kiệu. Những năm qua, kiệu được xem là cây “làm giàu” của nông dân, vì thế mà vụ kiệu Tết bà con càng chú trọng vào khâu chăm sóc.

 
Nông dân xã Lương Sơn chăm sóc cây kiệu.

Toàn xã có hơn 70 ha sản xuất cây kiệu, tăng gần 40% so với năm trước, được trồng dọc hai bờ sông Ông. Theo chân cán bộ nông nghiệp xã, chúng tôi đến thôn Tân Lập 1 và Tân Lập 2, “thủ phủ” trồng kiệu của huyện Ninh Sơn. Là nông dân đầu tiên của xã trồng kiệu, ông Lê Văn Hùng, thôn Tân Lập 2 chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa, sau khi thu hoạch xong trừ tất cả các khoản chi phí còn lại lợi nhuận chẳng đáng là bao. Nhưng từ năm 2013 đến nay, tôi đã chuyển sang trồng kiệu, với diện tích hơn 1 ha đất, mỗi năm tôi trồng được 3 vụ kiệu, mỗi vụ cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình được cải thiện, không ít bà con nơi đây khá lên từ nghề trồng cây kiệu.

Rời thửa kiệu nhà ông Hùng, chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Hiếu Tài (thôn Tân Lập 1) đang nhổ cỏ trên những luống kiệu của gia đình. anh Tài vui vẻ chia sẻ: Vụ Tết năm nay, gia đình tôi xuống giống được 2 sào kiệu. Tuy cây kiệu tốn rất nhiều thời gian và công sức xuống giống nhưng khi cây đã lớn, chủ yếu bà con ra thăm đồng nắm tình hình sâu bệnh hoặc bón thúc thêm phân bón, nhổ cỏ để cây phát triển tốt.

Thông thường, muốn trồng một sào kiệu, nông dân phải đầu tư trên dưới 15 triệu đồng để mua giống, phân bón, thuê nhân công… Việc chăm sóc kiệu cũng rất công phu, nhất là việc điều tiết nước khi đất mới xuống giống. Nếu thiếu nước, đất khô, kiệu sẽ không lên mầm. Còn để nhiều nước, kiệu sẽ bị ngập úng, thối giống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây kiệu tại Lương Sơn có thể trồng ba vụ/năm, trung bình mỗi sào kiệu cho năng suất 1 tấn và khi thu hoạch giá kiệu nằm ở mức từ 35.000-45.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lãi từ 10–12 triệu đồng/sào. Đặc biệt, kiệu Lương Sơn có đặc trưng là tép khá to và đồng đều, mùi kiệu nồng nhưng ít hăng nên đáp ứng nhu cầu của thương lái. Vào mỗi dịp Tết, thương lái các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa lại tấp nập đến từng thửa kiệu đặt mua.

Ông Đỗ Như Lanh cho biết thêm: Nhằm phát triển bền vững nghề trồng cây kiệu, địa phương đang tích cực gắn kết với nông dân tìm đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc kiệu để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng.