Đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

(NTO) Theo Quyết định 2223/QĐ-UBND, ngày 13-9-2016 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do UBND huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, công tác này tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 790 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP do tuyến huyện quản lý. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 188 cơ sở được cấp giấy chứng nhận. Cá biệt ở huyện Ninh Phước, có đến 63 cơ sở thuộc diện bắt buộc phải có giấy chứng nhận nhưng hiện chỉ có 4 cơ sở được cấp giấy, chiếm 6,3%; huyện Ninh Sơn 135 cơ sở nằm trong diện bắt buộc nhưng chỉ có 15 cơ sở được cấp giấy; Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có đến 385 cơ sở nằm trong diện bắt buộc, nhưng chỉ có 100 cơ sở được cấp giấy… Bà Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là việc làm hết sức cần thiết hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, theo dõi tình hình thực hiện ATTP của các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, là nơi chế biến, cung cấp thức ăn trực tiếp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với tình hình thực hiện như hiện nay, tại các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện ATTP tại các cơ sở
chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó chính là nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về ATTP của nhiều cơ sở còn hạn chế. Theo quy định, các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, muốn hoạt động cần có thêm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Để được cấp loại giấy chứng nhận này, cơ sở buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định; phải có bản thuyết minh sơ đồ chế biến thực phẩm theo quy trình một chiều; chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy xác nhận đủ sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp và giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP… Tuy nhiên, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở đều không đáp ứng được các điều kiện nêu trên. Khi bị nhắc nhở, chủ cơ sở hứa sẽ khắc phục, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục, làm giấy chứng nhận, nhưng sau đó lại viện nhiều lý do như mặt bằng hẹp, cơ sở đã xây dựng kiên cố khó khăn trong việc sửa chữa để đáp ứng yêu cầu quy trình chế biến một chiều; chi phí khám sức khỏe cao; không có thời gian để đi tập huấn kiến thức… để cố tình dây dưa, không thực hiện.

Trong khi nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở hạn chế, khi phát hiện các sai phạm, cơ quan thẩm quyền tại các địa phương lại thiếu cương quyết trong xử lý vi phạm, chủ yếu dừng lại ở mức nhắc nhở, rất ít trường hợp bị xử phạt hành chính hoặc đình chỉ hoạt động, từ đó dẫn đến tâm lý chủ quan, xem thường pháp luật của các cơ sở.

Như vậy, để việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ ăn uống đạt được hiệu quả cao, các địa phương cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung các giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Bà Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với vai trò cơ quan thường trực, ngoài tham mưu với Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh chỉ đạo cho các địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác này, Sở Y tế sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của ngành tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kiến thức về ATTP, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục, thực hiện tốt quy định pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.