Hội Phụ nữ xã Nhị Hà phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế

(NTO) Thời gian qua, bên cạnh thực hiện các giải pháp nâng cao công tác hội, Hội Phụ nữ xã Nhị Hà (Thuận Nam) còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Chị Bùi Thị Bích Vương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhị Hà cho biết: Toàn xã có 736 hội viên, sinh hoạt ở 3 chi hội thôn, đa số chị em làm nghề nông, nên đời sống còn khó khăn. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, trong quá trình hoạt động, Hội luôn chú trọng đến công tác hỗ trợ thông qua nhiều việc làm cụ thể, đặc biệt là đối với chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Thông qua sự giúp đỡ của Hội Phụ xã, nhiều hội viên, phụ nữ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất,
nâng cao đời sống gia đình.

Với lợi thế có diện tích đất tự nhiên trên 5.000 ha, trong đó có gần 1.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, Hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như: Trồng thanh long, mãng cầu, mía, nuôi bò, chăn nuôi dê, cừu… Đối với những hội viên khó khăn, Hội phân công từng chi hội giúp đỡ về vốn, cây, con giống; thành lập quỹ tiết kiệm cho vay không tính lãi. Nổi bật trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, đó là Hội đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ thực hành tiết kiệm ống tre Bác Hồ” được triển khai từ năm 2010 đến nay, có 120 chị em tham gia, với hình thức mỗi thành viên góp 100.000 đồng/tháng. Số tiền tích góp được hỗ trợ giúp hội viên khó khăn vay đầu tư buôn bán, sản xuất. Gần 7 năm hoạt động, câu lạc bộ đã hỗ trợ vốn cho hàng trăm lượt chị em với mức vay từ 1,5-2,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Công ty TNHH Thông Thuận tạo việc làm cho 20 phụ nữ với mức thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng… Nhờ đó, nhiều chị em tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Hằng năm, Hội Phụ nữ xã còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Hiện nay, số vốn Hội đang quản lý hơn 3,5 tỷ đồng/200 lượt hội viên vay. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các chi hội tăng cường hướng dẫn hội viên đầu tư các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Điển hình như chị Hà Thị Thắm, ở thôn 1, năm 2014, được Hội xét cho vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua tư vấn của các thành viên, chị nhận thấy chăn nuôi thích hợp với điều kiện gia đình nên quyết định đầu tư chuồng trại mua 5 con dê về nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó, biết cách chăm sóc, đến nay đàn dê của gia đình chị đã phát triển khá tốt, mỗi năm xuất bán cho thu nhập đáng kể. Từ nguồn thu này đã giúp chị trả lãi ngân hàng và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2016. Qua sự trợ giúp của Hội, mỗi năm có từ 5-6 hộ phụ nữ thoát nghèo.

Bên cạnh việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hội viên, phụ nữ trong xã luôn tiên phong trong việc đóng góp kinh phí xây dựng các công trình do địa phương phát động, đảm nhận phần việc vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Các phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3”…, hoạt động văn hóa, văn nghệ, xã hội từ thiện được chị em hưởng ứng nhiệt tình.

Có thể nói, bằng những hoạt động thiết thực không chỉ nâng cao hoạt động công tác Hội, mà còn khơi dậy ý chí, tinh thần sáng tạo trong sản xuất của hội viên, phụ nữ trong xã. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay… giúp chị em nâng cao mức sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.